
_Chúng tôi thật nà thung thướng được ông bà ra đây, nại còn quà bánh nữa…
Bà cụ hơn 80 tuổi nhảy vèo từ cái xe đạp cà tịch cà tàng đến chỗ ghế đá trước cửa nhà, nơi chúng tôi đang ngồi nghỉ mát trong cơn oi nồng mùa hạ. Bà đủn cái xe nằm sóng xoài giữa sân phơi lúa, rồi hàm răng đen nhai trầu lõm bõm nói với chúng tôi như thế. Tay vấn lại cái khăn trên đầu, bà lại bỏm bẻm:
_Mời ông bà thơi nước, nước chè cháu mới nấu đấy ạ!
Lạ thật! Dường như toàn bộ dân ở đây đều xưng “cháu” khi nói chuyện với chúng tôi, những kẻ vượt non 2000 km về thăm quê xưa. Và cả cái làng thôn này đều có cái thân thiện hết chỗ chê. Bất cứ nơi nào chúng tôi gặp họ, dù là đôi bên chả hề quen biết, họ cũng nở nụ cười vừa thân thiện vừa đầy mến trọng, Đến cả lũ trẻ dăm bảy tuổi, cũng làm như các bậc cha chú là cúi chào và không quên nở nụ cười đầy thân mến.
Bà cụ mở cái nút phích nước sôi cũ xì, cẩn thận rót vào cái ấm con con cũ cũng không kém. Bà đặt phích xuống, rồi chắt nước sôi mới đổ từ cái ấm con vào cái thùng cáu ghét vì màu trà lâu ngày. Sau đó, bà lại đổ nước sôi trở lại vào ấm. Chờ 1 chút, có lẽ cho ngấm trà, bà khẽ rót vào 3 cái tách bé xíu thứ nước chè xanh xanh thật đẹp.
_Mời ông bà thơi nước ạ!
Tôi nhấp ngụm chè thơm mùi đồng quê yên ả, có vị chan chát dễ chịu như bầu trời chiều lãng đãng những lọn mây, nơi mấy chú diều đang tung tăng trong tiếng hò reo dễ thương của mấy đứa trẻ. Rồi có mấy người hàng xóm thấy chúng tôi ngồi ngoài sân, lẩm rẩm đến ngồi chung quanh chuyện trò rôm rả, và ai cũng có tách trà be bé trước mặt, mà bà cụ chủ nhà luôn chăm chút rót thêm vào mỗi khi ai đó vừa đưa lên môi và đặt xuống. Đến khi chúng tôi trở về nhà trai, nơi chúng tôi được mời ra dự đám báo hỷ theo lời mời của nhà gái; thì tất cả những người trong sân nhà bà cụ nãy giờ đều nhất loạt đứng lên, thi nhau chào thật lễ phép, mặc cho người nghe chẳng thật sự nghe thấy gì, chỉ biết rằng cái mớ hỗn độn ấy là những gì thân thiết nhất mà họ gửi trao cho chúng tôi, những người từ thành đô về chơi ít bữa.
Vừa bước vào sân, ông Viễn-chủ-nhà đã săng sái mời chúng tôi vào bàn ăn, nơi đã sẵn mâm cơm, đã sẵn những vị vai vế trong họ ngồi chờ. Chủ nhà đon đả mời mọi người ngồi, rồi ân cần giới thiệu mọi người với nhau. Suốt bữa ăn cũng thế, hễ cứ có ai mới tới, hoặc ai cáo từ ra về là ông Viễn lại như cái máy cassette, nếu không giới thiệu lại, thì cũng tạo cơ hội cho mọi người cáo từ ra về một cách lịch sự, nếu không nói là lễ phép.
Họ ăn mừng suốt 3 ngày liên tục. Con cháu trong nhà, chả cần phải mời chào, sai khiến, đều tề tựu về nhà để ô Viễn cắt đặt mọi việc. Chẳng có một lời phàn nàn, họ răm rắp làm cứ y như là việc đám tiệc của họ là cái gì đó rất tự nhiên, rất chuyên nghiệp, rất bài bản. Mai mới là ngày chính lễ, mà sáng sớm hôm nay, họ đã dựng rạp, kéo 1 cái màn làm sân khấu lộ thiên, mượn sẵn của ai đó cái máy bơm nước, phòng khi mưa sân ngập là a lê hấp, bơm nước ra đường, những con đường đã tráng xi măng cùng khắp. Trưa ăn, tối ăn. Hôm nay thì đơn giản hơn, nhưng cũng có cả mười mấy chiếc bàn bày trên cái sân chung, và mọi người quây quần ăn uống ồn ào, vui vẻ. Khách đến, lại tận bàn gia chủ chào, chủ nhà lại giới thiệu thật trang trọng; khách về cũng lại đến tận bàn lúc nãy, lại ồn ào người nói mà không có kẻ nghe, đại ý vẫn là, kính chúc ông bà ăn uống no thay nhé!Gớm, ông bà có đứa con gái thinh ghê! Ông bà còn đứa con nào gả cho con tôi với! Chúng tôi thật nấy nàm vinh hạnh và thung thướng được gặp quý ông, quý bà ở đây…Rồi tất cả đều cười tươi, rồi bắt tay bắt chân, đủ cả! Rồi lại người khác vào, rồi lại kẻ khác ra. Thật là quý hóa quá thể!
Hôm đầu là thế đấy, các con cháu, kể cả những ông bà cụ mà tuổi đời đã vượt qua hàng 8, cũng chạy lại xem có gì làm không, cứ y như chủ nhà là 1 vị đại tướng vậy.
Tối đến, có chương trình văn nghệ. Từ trưa, khi chúng tôi đang ngồi bên nhà bà cụ nọ, thì đã lền khên loa với thùng chở đến. Sau bữa cơm tối, văn nghệ bắt đầu. Đám con cháu cử ai đó ra làm em xi cho đúng điệu. Anh chàng cũng có nghề lắm. Dĩ nhiên, chàng phải phét lác giới thiệu các ca sĩ đồng quê cứ y như họ là minh tinh thứ thiệt từ Pa di, từ Ca li phoóc ni a, từ tất tần tật mọi nơi trên thế giới về, thậm chí còn xin lỗi xin phải rằng thì là ca sĩ nọ mới xuống máy bay nên chưa thể cống hiến như “nòng mong ước” được. Biết rằng ca sĩ ấy thật ra là cái thằng sửa máy cày ở đầu lộ, nhưng khán giả địa phương vẫn rần rần vỗ tay cứ y như là thật vậy. Cũng đàn, cũng hát, pop có, rock có. Vui và náo nhiệt.Còn người nghe ư? Mẹ ơi! Tưởng chỉ có lũ thanh niên lằng nhằng đến coi, chứ ai ngờ, cả làng kéo đến: 3,4 tuổi có, thanh niên có, mà cụ ông cụ bà 70, 80 cũng tới, cứ y như là xem hát chèo ngày xưa của các cụ vậy.
Đang chơi, thì tắt điện. MC gào khan cổ “Xin nỗi quý vị, vì tuy đã thửa thoạn hết thức chu đáo cho chương trình đặc biệt đêm nay, nhưng vì ný do điện không chịu nổi thự cuồng nhiệt của quý vị, lên đã tạm thời tắt tong giây nát. Rồi anh ta, cùng mọi người nháo nhào ra cái cột đèn gần đó, xì xà xì xụt một hồi, bóng đèn lại thắp lên niềm vui, âm thanh lại gào lên hết cỡ, cứ như chưa bao giờ được như vậy!
10 giờ đêm, chương trình văn nghệ tạm chấm dứt, để các cụ ông cụ bà, trên các chiếu bạc, ngồi xòe với nhau đến sáng mà chả lo cảnh sát, công an gì ráo trọi, vì ngày vui mà.
Trước đó, sợ chúng tôi không chịu được cái ồn ào thái quá của đêm vui, ô Viễn đích thân đưa chúng tôi vào nhà người quen ở sâu trong thôn. Đường tối mò, muỗi mòng vo ve chung quanh. Trên lối đi bằng xi măng đủ để chúng tôi, trên 2 chiếc xe máy ì à vòng vẹo một hồi, đến căn nhà lớn nọ. Ông Viễn bàn giao chúng tôi cho ông bà Phương, chủ nhà mới đến, rồi ông trở về nhà, nơi cuộc vui chỉ mới vừa bắt đầu vào cao điểm.
Cả đêm, chiếc xe máy vẫn vất ngoài sân rộng thênh thang, ô Phương đưa chúng tôi lên lầu, chỉ cho 2 phòng mà 3 người chúng tôi sẽ ngủ qua đêm. Ông căn dặn không cần phải đóng cửa, vì ở đây không sợ trộm.
Cả đêm, tiếng ếch nhái oàm oạp, tiếng côn trùng nỉ non, tiếng ve sầu rỉ rả đưa chúng tôi vào giấc điệp, thỉnh thoảng có cơn gió thoảng qua, lùa ngang các ô cửa mở, ôi mát ơi là mát, chả quạt kiếc gì cả, dù mỗi phòng đã sẵn những chiếc quạt máy mới tinh.
5g sáng, tiếng loa phóng thanh của xã đã líu nhíu gì đó, làm tôi mở mắt, đã thấy ánh sáng mờ mờ choán cả khung cửa sổ. Ông chủ nhà đang lẹp xẹp quét cái sân rộng rinh; vợ ông đang lúi húi gì đó trong cái nhà gạch xưa, có lẽ bà đang đun ấm nước, cho 1 ngày uống trà như bao người trong thôn. Khi chúng tôi xuống sân, bà đã làm sẵn không chỉ trà mà cả cà phê nữa. Lại ngồi tụ lại chuyện trò rôm rả về mọi sự trên đời. Hỏi thăm, họ cho biết họ chỉ còn hai người trong căn nhà rộng lớn này, vì con cái họ đi làm ăn xa nhà; Cũng như nhiều gia đình khác trong làng, chỉ còn lại người già, còn thanh niên, phần lớn vào Hà nội và các tỉnh thành phía nam làm việc. Việc đồng áng chỉ vất vả lúc vào mùa, còn mọi người khá nhàn hạ. Nhiều gđ có con thành đạt, muốn mẹ cha về ở cùng nơi đô hội, nhưng họ thường muốn ở quê nhà vì quen làm việc, và vì làng quê là nơi họ không bao giờ muốn lìa xa.
Hôm nay, ngày chính lễ. Như ô Viễn đã báo trước: Khách đến dự tiệc đã đến từ 9g sáng.Bàn nào bàn nấy chật kín. Mỗi bàn 6 người. Chúng tôi được mời sang sân nhà kề cạnh, vì rộng rãi hơn. Cũng như các bàn khác, bàn chúng tôi có 1 người cháu ruột chịu trách nhiệm tiếp đãi. Rượu nếp tự làm, mà theo họ, rất đặc biệt và rất ngon. Thức ăn cũng tự biên tự diễn, cứ hạ 1 con heo, ít gà là xong. Còn gió lụa, giò thủ xắt thật dầy làm 6 miếng to mỗi đĩa. Các món ăn rất đơn điệu, nhưng mọi người đều rất vui, vì ngày mai nếu đến lượt nhà khác cũng y như thế, chả có gì thay đổi. No nê và phấn khích. Ai không ăn, có thể gói mang về. Không có chuyện mời người về nấu đám, vì người ta nói chết. Khổ cho các con cháu phải trầy trật làm mấy ngày, nhưng ô hay! Chẳng ai than vãn, vì luật là vậy mà!
Cô dâu chú rể cũng lòng vòng mời chào các bàn tiệc. Những bàn tiệc ovan đầy thịt heo luộc, dồi, giò, thịt heo nấu sen và lá ngải, tô canh bí nấu chẳng thịt heo thì cũng lòng gà. Ăn xong, khách ồn ào chào hỏi, bắt tay bắt chân rồi ra về. Lại dọn sạch bàn cho lớp khách đến sau. Riêng chúng tôi là thượng khách, khi ăn xong được người cháu mời sang bàn vừa dọn trống kề bên, uống trà và đàm đạo tùy thích. Người cháu liên tục rót trà vào mấy cái tách xinh xinh, chỉ sợ khách thiếu cái chất màu xanh tuy ít mà trịnh trọng đó.
Chiều tới, tôi và anh bạn đi lòng vòng quanh thôn xóm. Lại những nụ cười. Lại những lời mời mọc chân tình, hai ông vào chơi đã, mấy khi ra đây mà! Lại cả đống phích nước mang ra, lại nước trà pha pha chế chế, lại đầy đủ con cái chồng vợ ra tiếp, lại ồn ào chào mời, lại lăng xăng từ giã, chả ai nghe thấy gì, chỉ biết họ mời lúc nào rảnh, 2 ông cứ lại đây, người nhà cả mà!
Xa xa, có tiếng trống gõ. À! Thì ra có cái đám ma. Hèn nào, lại có lũ lượt người đến phúng viếng. Dân làng giải thích, cả làng họ đến viếng đấy. Khách của anh cả thì anh cả phải lo cho họ ăn; của chú Ba thì chú ba phải mời ăn, kẻo “họ” nói đấy! Trời đất!
Đi lăng quăng mãi, đến lúc chủ nhà a lô lại về cơm nước. Cũng lại mấy món “cơ bản”: Thịt heo luộc, dồi heo luộc, thịt gà rán, đậu đũa xào lòng gà, canh bí mà mỗi trái bí có khi nặng cả 5, 6 kg. Ngán quá. Nhưng tiệc to đã mãn, tiểu tiệc buổi tối cũng có bia uống thoải mái. Dĩ nhiên, chúng tôi ráng nuốt những món ăn lập đi lập lại vì chủ nhà và họ hàng quá ư ân cần, săn sóc.
Lại một đêm ngủ lang. Lại vợ chồng ông Phương dễ mến. Lại tiếng quét sân lúc 5 giờ sáng. Lại mấy ly cà phê sữa pha sẵn, ngồi nơi ghế đá trước sân, nơi có đàn vịt lúi húi gì đó trong mảnh vườn nào bí, nào ngô…Có con rắn trườn ngang sân rồi biến mất sau bụi chuối. Tôi hỏi:
_Vậy có rắn độc không anh? Chủ nhà cười toe:
_Làm gì mà còn, chúng bắt tất !
Phải rồi, tôi nhớ ra hằng hà sa số những hũ rượu ngâm rắn ngự đầy trong các quán xá. Chả biết sự tuyệt diệt loài rắn có làm ai đau sầu?
Hôm sau cũng thế, nhưng nhẹ hơn. Ca nhạc cũng lìu xìu cho đến 2, 3 giờ trưa là loa với thùng bái bai chờ đám khác. Khách chỉ còn lại con cháu thật gần, được mời ở lại ăn miếng cơm nào thịt heo luộc, nào gà chiên, nào… (ôi mệt quá!), như lời cám ơn của chủ nhà.
Tối đến, mới thực là buổi cơm gia đình, chỉ gồm đôi trẻ và cha mẹ đôi bên. Bà mẹ cô dâu từ chiều đã xin phép ông bà chủ nhà được phụ nấu cơm với gia chủ.Bà thêm thắt tí gia vị trên nào heo, nào gà…Tôi ăn thấy ngon hơn, nhưng chả biết chủ nhà có thấy ngon như thế không chẳng biết. Chỉ biết là mọi người vui ơi là vui. Vì bây giờ mới thật là người nhà. Ông Viễn chả ăn miếng nào, trừ ra mấy miếng thịt heo ram bà sui gia gắp cho, và ông vừa nói vừa liên tục rót bia, thứ bia ông chỉ dành cho tối nay, và chỉ cho những người mà ông, cả bà nữa, coi vừa là thượng khách, vừa là người nhà; Và tôi được hưởng lây niềm vui đó.
Chúng tôi ngủ lại nhà ô Viễn, vì cháu chắt đã về nhà mình, vì cuộc vui đã xong. Nhà ông đầy muỗi nhưng chúng tôi vẫn ngồi hàn huyên trên cái sân xém mưa hôm qua. Ngôi nhà ngói cũ xưa nhưng đầy mến thương qua bao thế hệ.
Hôm sau, chúng tôi trở về Sài gòn. Ông Viễn huy động các cháu chở hành lý chúng tôi ra tận bến xe. Cả ông lẫn bà lẽo đẽo theo chúng tôi và bịn rịn không muốn về nhà. Ông bắt chặt tay chúng tôi dễ đến 7, 8 lần, còn bà, tôi thấy mắt bà đỏ hoe…
LAM TRẦN 21.06.2013