Month: July 2013

  • Chuyện ngoài đường

    CHUYEN NGOAI DUON
    chuyện ngoài đường…


    Tui là kẻ không bao giờ gây ra tiếng động, vậy mà toàn bị người ta chửi bới, thậm chí cả cái bà già mát giây, cứ sáng bảnh con ngươi ra là đã liên hồi đá vào thân tui mà ca cẩm:

    _Cha tổ bố mày, cha tổ bố mày, đồ khốn nạn.

    Mặc cho bà chửi rủa đã mồm, tui chẳng hề giận bà ta, vì tui biết bả không hề có suy nghĩ gì ráo trọi trong lời ăn tiếng nói, cũng như chẳng hiểu thấu đáo cái hành động vũ phu bả ngày nào cũng đổ trên cái thân ròm của tui. Còn mấy trự say xỉn nữa cơ, chẳng biết mấy chả có nhớ đường về nhà không, chớ tui nghĩ là mấy chả không bao giờ quên. Ai đời, cứ bẻm nhẻm chiều là cái lũ ấy đi ngang qua chỗ tui đứng, vỗ vỗ vào cái lưng ốm nhách của tui rồi ề à cái gì đó chẳng rõ trong cái bản họng sặc mùi men, vừa hôi lại vừa chua…rồi thất thểu đi đâu đó ra ngoài kiếm cái gì đó cũng chua chua cay cay, hồi đầu còn nhấm nháp, sau đó đổ tuốt tuột vào cái miệng tiền trồng răng không hề có mà tiền bia bọt có thể đủ làm đám tang cho toàn thể các anh trai lâu lâu ta mới nhậu một lần, lần nào cũng từ tà tà chiều đến cập quạng đêm về trên phố vắng! Rồi, sau khi tàn tiệc, thì mấy ông nội của tui lại lếch thếch, có khi bò về ngang chỗ tui đứng, buồn buồn, vạch quần tương mẹ nó vào chân tui những thứ cũng hôi hôi tanh tanh như người ngợm của mấy khứa. Tui nào biết nói gì, vì tui chỉ là cái cột đèn góc xóm.

    Vậy đó! Thật là tội cho tui và các đồng nghiệp. Các bác biết không, có khi không chỉ mấy cha nhậu nhẹt đâm sầm vào tui, mà cả có anh chàng kia đẹp trai, đi xe hai bánh đẹp ác luôn, chả hiểu chàng vừa đi vừa a lô với nàng nào đó thì rầm một cái, sau đó là tiếng loẹt xoẹt của cái xế dãy dụa dưới chân tui, còn chàng thì nhăn nhăn nhó nhó với bộ quần áo lấm lem cái gì đó dưới chân Ngài Cột Đèn là tui chứ còn ai nữa, cái a lô thì văng nắp vào lỗ cống gần đó, cái bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe rung rinh…Miệng chàng văng ra câu được học từ đại học đọc hại nào đó, nghe rất ư là “chuẩn”, ĐM cái thằng nào để cái cột đèn…giữa đường .

    Thiệt là xúc phạm cho cả cái nền văn minh! Bộ nó muốn khiêng cái cột đèn tui vào cái nhà hà bá của nó chắc. Không được, vì dù gì, khi còn đứng trụi lủi ở đây, tui còn có cửa mà sống, mà…tư duy, chớ còn nằm trong nhà ai đó là tui chết chắc. Vì trước sau gì thì thiên hạ cũng leo lên đầu tui, móc móc câu câu mấy cái giây gì đó vào cái ổ mạng nhện có từ đời tám kiếp chằng chịt trên mình tui, rồi dấu dấu giếm giếm…à! Thì ra mi ăn cắp điện nhá! Đâu có sao, tao ăn cắp của nhà nước chứ có ăn cắp của ai đâu. Trời ơi! Vậy nó nghĩ nhà nước khác nhân dân ư?Nó nghĩ ăn cắp của công thì vô ưu vô tư, còn của nhà người ta thì nó đánh cho bỏ mẹ! Nó đi học mà chả hiểu tí gì về của công là của mọi người, trong đó có tui nếu có ai đó gọi tui là người. Hèn nào mà người ta cứ thi nhau xài đồ chùa, đúng là cha chung chẳng ai khóc!

    Vì cột đèn cũng là một loại cột, mà là cột “chùa”, nên tôi được người ta ưu ái (hay u uất chẳng biết nữa) gửi lắm thứ thuộc loại có giây và kể cả các loại không có giây. Dĩ nhiên, là phải có giây điện, cái loại này lắm kẻ ngán. Chỉ có kẻ điếc không sợ súng mới coi thường loại giây tối cao này. Số là có gã kia hành nghề trộm đêm. Cũng bởi cái bóng cao áp chết tiệt treo ngang cần cổ tui tối mò cả mười mấy năm nay mà sinh ra cớ sự. Ai đời, cái hộp đựng bóng đèn vì xiết không chặt nên mưa từ trời chen chúc vô. Đầy hộp! Thế là đèn ngâm ngẩm tịt ngòi. Người ta nào là làm đơn xin xin xỏ xỏ để có chút ánh sáng ban đêm cho kẻ chích xì ke còn biết đường mà lụi trúng mạch máu, kẻo nó chết làm gì có đất mà chôn. Ừ, xin thì xin, còn cho hay không lại thuộc về tập hai chưa bao giờ xuất bản. Vậy đó! Cái thằng ông cố nọ, mới có con được 2 tháng tuổi, cóc lo làm chỉ ham cờ bạc nên đêm đến tranh thủ leo cột vào nhà kế tui mà chôm chỉa. Đã nói là nhớ ngủ thì khóa cửa lại mà hổng chịu nghe mới ra cớ sự. Anh hai tui thấy cửa mở bèn chờ đêm đến- một đêm không trăng sao-, ảnh leo tới giữa chừng rồi lại quên cái móc nên lại leo xuống coi bộ thiện nghệ lắm. Rồi ảnh có vẻ hớn hở vì cái sự thông minh của mình mà tái leo lên cái thân ghẻ lở của tui. Rồi anh dừng chân lại,chuẩn bị leo qua lan can cái nhà vô phước sắp được đón chào anh. Anh lớ quớ cầm cái cây sắt dài, huơ huơ trong không gian chằng chịt những giây với nhợ. Vậy mà roẹt một cái, anh xui xẻo của tui bị mấy cái giây trung thế phóng phát một té nằm vắt vẻo trên cái mớ giây lùm xùm, cái cây sắt của ảnh nhảy lổm cổm trên mặt đường làm ai đó bật cửa mở ra, phát giác cái thân đen xì vì cháy của anh. Dĩ nhiên là người ta hô hoán. Trước sự chứng kiến nghiêm trang của tui, người ta đem ảnh xuống. Trời đất, ảnh cháy táo tạo từ đỉnh đầu tới dưới thắt lưng. Sau này, người ta kể lại, vợ ảnh vừa nuôi đứa nhỏ 2 tháng tuổi, vừa coi sóc anh vì may sao ảnh vẫn còn sống sau cú cao thế chưởng ấy.Mặt mũi anh cũng không đến nỗi mất đẹp trai lắm. Tuy vậy, anh bị co rút cái cần cổ, hai tay 10 còn 4 ngón, cũng lạ, là “chim” anh chẳng bị gì sất cả các bác ạ! Mỗi lần cô vợ 25 tuổi tắm cho chồng, là phải đem cái ông xã chết tiệt ấy ra hàng hiên mà xếch xy chăm phần chăm anh ý ra mới có đủ chỗ. Nhiều lúc tui nghĩ thằng này mà không chừa cái tội ăn cắp, khéo nó còn có thể làm nghề 2 ngón được, vì 2 tay của nó, 1 tay còn nhất chỉ, tay kia tam chỉ. Mà móc bóp người ta chỉ cần nhị chỉ thôi chớ sao!

    Các bác có bao giờ nghe  cái thành ngữ thượng bất nghiêm, hạ tắc thở ủa quên hạ tắc loạn chưa nhỉ. Này nhé, có lần mấy đứa con gái nhà ai lủng xủng ăn mấy trái sầu riêng sầu tây gì đó. Các nương ăn xong, tiện tay, quẳng mẹ mấy cái vỏ xuống đường. Ai dè, vì trước khi ném mà không tập, nên có cái vỏ đã móc hết ruột xơi, bay từ lầu các nương và nhẹ nhàng đáp xuống chùm giây muôn đời lỏng nhỏng máng trên cái thân cơ khổ của tui. Gió nào làm rơi được ngay! Quýs nàng thấy vậy bèn trốn biệt vào nhà, để hôm sau, sau nhiều cái đu đưa đỏng đảnh suốt đêm của cái vỏ tách làm tư. Cứ như có me mo ry gì đó, mà cái bà bán bún bò đang ế ẩm phần vì trời mưa, phần vì người ta nghe nói bún bi giờ ăn vô là toi mạng; bà này đang loay hoay đốt vía thì tủm một phát, cái vỏ đầy gai nhọn hạ cánh cấp kỳ xuống thùng nước lèo, làm bả vất cả quẹt, cả giấy mà nhảy bổ vào nhà, trên áo bà vằn vện màu vàng của bức tranh “vỏ sầu riêng vô thùng bún”. Thật là một bức tranh trác tuyệt. Chưa hết! Lúc sau đó, có mấy đứa con gái trên lầu cao bên kia lò dò đi xuống, ra vẻ thương hại, lép nhép hỏi bà, Ủa, bác Sến bị sao vậy? Ủa mấy đứa hổng biết gì sao!…Chẳng biết đứa khốn nạn nào ném cái vỏ sầu riêng vô hàng tao nè. Mẹ cha tụi nó chứ! Dĩ nhiên là mấy cô gái mặt đỏ lừ, miệng cười mà chẳng nói chẳng rằng chi cho lộ chuyện. Đó, có phải trên cao mà không nghiêm chỉnh thì kẻ hạ tầng cơ sở lãnh sẹo là chắc bảy mươi hai phần dầu luôn!

    Tui có lắm chuyện để kể cho các bác nghe lắm, nhưng sợ các bác sẽ thường xuyên nói tiếng Đức thì xấu hổ cho bản sắc dân tộc mấy ngàn năm văn hiến, nhất là chuyện mấy cái biển quảng cáo đeo và dán trên mình tui. Các bác coi, ai đời người ta đã rành rành treo cái bảng phòng mạch của bác sĩ Chém, cái lão khỉ gió nào vớ vẩn dán ké ngay bên cạnh tờ quảng cáo nhà đòn Chôn, mới khai trương. Bảng bác sĩ thì đỏ. Dĩ nhiên bảng kia màu đen là đúng gu rồi. Ai đó cũng có duyên hài lắm nên thêm kề bên bảng chỉ dẫn đến quán điểm tâm, mấy cái tờ giấy ghi rõ địa chỉ hút hầm cầu. Mẹ ơi! Thật là vui nhộn! Thật là tương thân tương ái!

    Mấy cái bảng ấy rồi cũng phải hạ thổ xuống đường đi lối lại, khi mấy anh chàng thợ gì gì đó leo lên nghịch, sửa (mà chẳng bao giờ làm cho cái đèn mười mấy năm tối hù được sáng lên cuộc đời vốn có). Chả biết mấy ảnh sửa cái gì, chỉ biết mấy ảnh cứ kềm và búa, cắt ráo trọi mấy cái bảng kể trên để ta còn có chỗ mà leo chớ. Làm xong việc của mấy ảnh là chân tui lại lây nhây với mấy cái thứ vừa được thả xuống. Hàng xóm và mấy người ve chai thì lấy làm thích vì cái cột đèn xấu xí nom sáng hơn, và mấy cái bảng có khi có danh tính  những vị tiến sĩ lùi sĩ gì đó được triệu hồi về lò ve chai mà chả tốn đồng xu nào để mua. Anh thợ đi rồi, có khi cả xóm nhao nhao lên, sao điện thoại nhà tui nghe được cả cuộc gọi từ ai đó tới nhà bà? Sao truyền hình cáp gì mà chỉ còn sọc tới sọc lui mà chẳng có cái hình gì ráo trọi? Đủ thứ vì sao và vì sao. Lại chửi, lại nói qua nói lại, lại ngày mai trời hơi đẹp một tí, anh chàng hôm qua lại leo lên, lại gỡ bỏ mấy cái bảng hồi đêm mới treo mà tên cũ xuống đất, lại ve chai tới lượm. Mỗi nhà lại tọt vào trong, kiểm tra điện thoại, in tờ nét, truyền hình cáp xem đã xài được chưa. Có khi phải kiểm xem cái đầu vốn đã hói vì vợ hay xoa, nay có rụng thêm cọng nào không mà buồn.

    Này, tối hôm qua, lúc ấy tầm 11 giờ, tui thấy có anh chàng đi xe đạp đứng dựa dưới chân tui. Cũng may, trời mới mưa nên chân tui hổng còn cái mùi gì ráo trọi, cũng chưa thấy mấy gã say ghé thăm. Mấy nhà chung quanh đã tắt đèn. Chỗ tui đứng hơi tối tối. Rồi có 1 cô nàng ở nhà nào đó chạy ra, chẳng biết hai đứa nó nói chuyện gì với nhau vì tai tui ở xa trên cao lắm, chỗ cục sứ cách điện trung thế. Chỉ biết là sau cùng, không biết tui có nhìn lộn không, ừ, sau cùng, tụi nó hôn nhau cái chụt! Láo chết!

     

                                                                                                        

    LAM TRAN 07/31/2013


     

  • Bước chân Thu…

     

    Em có thấy lẩn thẩn vào thu

    Lá rơi chen lấn cả vỉa hè

     Xào xạc chân ai bâng khuâng bước

    Tóc mềm quyến rũ trái tim si.

     

    Em có nghe lất phất hạt mưa

    Hát vu vơ đâu đó tựa hồ

     Lẻn ra từ lòng anh đắm đuối

    Từ dạo hôm nào em bước qua

     

    Em có yêu nặng trĩu cung chiều

    Mây xám lăng quăng, phố hắt hiu

    Lác đác người qua, trong số ấy

    Là anh, kẻ đứng, giả đăm chiêu.

     

    Em có nghĩ trong cơn gió thu

    Có lời gửi gấm một gã khờ.

    Rằng, tuy mùa thu đơn chiếc lắm

    Chẳng bằng cái lạnh kẻ ngẩn ngơ.

     

    Em có biết bối rối lòng anh

    Mỗi chiều gót nhỏ vội bước nhanh

    Không nhìn nhưng chắc em hẳn biết

    Có kẻ, mùa thu sớm giật mình.

     

    LAM TRẦN 28.07.2013

  • Thử dừng chân…

    THU DUNG CHAN

     

    Hãy dừng lại, xem dưới chân mình có cái gì đang chết gí
    Dưới đế giày năm tháng miệt mài trôi
    Dưới con tim đã chết tự một chiều
    Ta để quên tình yêu vào góc tủ.
    Hãy dừng chân, ngẩng nhìn trời xanh phượng rũ
    Để thấy rằng nhịp bước của thời gian
    Nhanh hơn ta chạy, nhanh đến bàng hoàng
    Khi nghĩ lại ta đã làm được gì cho nhân thế?
    Hãy tháo kính ra để thấy rằng ta không thể
    Nhìn mọi sự trên đời bằng chính chúng hiện thân
    Ta luôn tiếp cận mọi chuyện bằng cái viển vông
    Và nông cạn nơi cái đầu tưởng là thông minh lắm.
    Hãy cười khan, và tự bêu riếu mình, vì chắc hẳn
    Chỉ mai kia sẽ có kẻ nói như thế về mình
    Và lúc ấy, hoặc là phải nín thinh
    Hoặc quạu quọ, lèng èng như kẻ câm bật tiếng.
    Hãy soi gương xem ảnh ai hiển hiện
    Có phải là kẻ ta muốn thấy hàng ngày
    Hay là kẻ ai cũng muốn phân thây
    Xin hãy nhớ, lâu lâu nhớ dừng chân mà suy nghĩ.

     

     

    LAM TRẦN 28.07.2013

  • Lời cô mắt tím…

    ladyplayinginstrumentailan0ap

    Chỉ là một chút bông đùa

    Sao anh cắn bút ngẩn ngơ thư tình?

    Làm tim em bỗng nhiên run rẩy

    Đọc xong rồi mà mãi bâng khuâng!

    Chỉ là một chút…nhố nhăng

    Sao anh lại trói buộc thân em vào?

    Em nào có ngọt ngào như anh nghĩ

    Đã vậy còn bi lụy, hờn ghen

    Bạn em vẫn bảo “mày điên”

    Mà anh lại tả là tiên, tiên nỗi gì?

    Cho anh biết em lỳ lắm đấy

    Có khi còn trái khoáy nữa cơ!

    Anh chịu được cái vật vờ

    Mà em đã trót ỡm ờ vào thân?

    Lúc ấy anh có bần thần nghĩ lại

    Chuyện quen em thật hãi hùng thay

    Rồi anh sẽ nói chia tay,

    Như mấy chàng bữa trước ngất ngây một thời!

    Chỉ là chút vui chơi mà đã

    Nghĩ là yêu, anh quá thơ ngây!

    Này, thư sao chẳng đủ dài

    Mai anh có lại, nhớ viết vài trang nghen.

     

                   LAM TRẦN 15.07.2013

  • thư ngỏ với các bạn mới…

    THANK D

    Thư Ngỏ gửi các bạn mới…


    Thân chào các bạn mới .

    Dư âm ngày Truyền Thống 06/07 vừa qua , nhiều ít vẫn còn lắng đọng ở mỗi anh chị em chúng ta . Mỗi năm cũng đã có đôi ba lần chúng ta gặp gỡ nhau chính thức từ THÂN HỮU ST THOMAS , sự tham dự của các bạn và những thành phần khác là sự khích lệ ,cổ vũ , để làm nên sự thành công như mong đợi ,để có được diện mạo như hôm nay  .

    Theo thông lệ , sau mỗi lần họp mặt , dù ở ngày Truyền Thống hay dịp tất niên , THÂN HỮU TRƯỜNG THÁNH THOMAS , lai được tiếp nhận thêm những người anh chị em mới . Đây là cơ hội để các bạn cũ , đã , đang sinh hoạt ở cả hai trang web , nhận diện laị những người bạn xưa , biết đâu đấy , tình cờ ” chộp ” được những người bạn xưa , vẫn đang hiện diện ở đâu đó quanh đây!!!

    Trước khi trình làng những người bạn mới, BĐD cũng xin nhắc lại và phổ biến cùng bạn mới cũ , một số quy định cho việc sinh hoạt ở Yahoo.Group St.Thomas , tránh những phiền phức không đáng có như đã xảy ra .

    THÂN HỮU ST THOMAS hoạt động theo tôn chỉ và Bản Điều Lệ đã được toàn thể anh chị em  thông qua ngay từ ngày đầu thành lập ( tìm xem bên trang xanga khoảng 1/2011 ),  mọi việc đã đề ra ban đầu , ngày nay chúng ta vẫn dựa theo văn bản này cho moi sinh hoạt bây giờ và sau này . BĐD chỉ xin nhắc lại vài điều cho việc sinh hoạt ở group này , nhằm tránh sự việc đáng tiếc , không đáng có  :

     -  Ngoài trang web Yahoo.group này chúng ta còn có trang web đang hoạt động song song là : http://sainthomas.xanga.com - Mọi người có thể vào trang này , còn bên group , bạn phải có địa chỉ email và xin gia nhập mới sinh hoạt được .

     -  Các bạn được tự do thể hiện cảm súc , từ những bài viết tự luận , tùy bút , giới thiệu , phóng sự ..v…..v….. không ngoài mục đích xuất phát từ Trường xưa – Bạn cũ , mang đén những điều hay lạ ,cùng nhau chia sẻ niềm vui , nỗi buồn , cùng sự thông cảm lẫn nhau từ mọi thành phần , mọi phía .

     -  Bạn được  truyền tải những bài của tác giả khác với cùng mục đích như trên .

     -  Không phổ biến hay truyền đạt những gì dính dáng tới chính trị . Thật là khó xử cho BĐD một khi có tranh luận về vấn đề này . Các bạn nếu muốn cứ gửi email riêng cho địa chỉ mà bạn muốn , đây là tự do của các bạn , tránh phiền phức đến những người anh chị em khác  .

         –  Không sử dụng diễn đàn này để công kích , nói xấu nhau , hay dùng những lòi lẽ kích động , hù dọa , dẽ làm tổn thương đến nhiều người anh chị em khác , Họ đang có nhiều hình ảnh tốt đẹp về Trường Xưa  - Bạn Cũ . Tiêp đến xin giới thiệu những người ban mới .

      Đây là danh sách 19 bạn mới , tham gia ngày Truyền Thống 06/07/2013

     

     - Trần Đình Chiến             (NK 70-71)

     -  Trần Phúc Chinh          (71-72)

     -  Nguyên Thị Dung        

     -  Trần Danh Dự               (-75)

     -  Phạm Sơn Hà                (74-75)

     -  Võ Trung Hiếu              (74-75)     

     -  Đinh Văn Hóa  -             (72-73)

     - Dương Thị Kim Hoàn     

     -  Lê Văn Hưng                   (72-73)

     -  Hoàng Thi Lan                   (71-75)     

     -  Mai Thị Loan  

     -  Nguyễn Thị Nhung          

     -  Vũ Nam Phong                

     -  Bùi Xuân Riện                                   

     -  Phạm Cao Sơn                (73-75)     

     -  Đăng Văn Tiến                             

     - Nguyễn Thị Ngọc Tuyết            

     -  Lê Thị Trọng Tuyết                  (75-77)   

     -  Nguyễn Văn Tĩnh                  (72-73)     

     

         Thân chào các bạn , hẹn gặp lại 

     

                               BĐD Thân Hữu Trường Thánh Thomas 7/2013

     

  • đằng sau cuộc vui…

    đằng sau cuộc vui…


    Tháng 7 đã bước qua nửa tháng sau. Mùa thi đang dở dang với sĩ tử khắp nơi đổ về thành phố. Thấy chúng đi thi mà nhớ lại ngày nào còn cắp sách đến trường. Bởi vậy mới có chuyện mấy ông bà già hoặc sắp già St Thomas lựa ngay mấy cái ngày đầu tháng 7 mà làm ngày họp mặt. Kể cũng có lý khi mỗi thứ có thể gợi nhớ lại thời xưa đều được tận dụng để tạo bầu khí thân thiện khi gặp gỡ.

    Rồi ngày vui cũng qua đi, mấy ông bà trong ban chấp hành chấp tỏi lại réo để rút ưu khuyết điểm. Riêng tôi, tôi thấy kỳ này lỗ là cái chắc. Ai đời thời buổi gạo châu củi quế mà các ngài ấy chỉ yêu cầu đóng góp mỗi người 1 phần ăn có bia bọt, có ban nhạc, có hát hò cho xôm tụ…chỉ có 150000$. Mẹ ơi. Các bác biết không, thằng cháu tôi dân Nam Định ra Hà Nội chơi, buồn buồn hỏi cái hàng dép mà ta gọi là “dép lào” xem bao nhiêu một đôi, thì con mẹ bán hàng mắt lé xẹ giả nhời rằng thì là 260 nghìn 1 đôi. Ơ hay nhỉ, con mụ này tưởng mình là đại gia là đa dại hay sao mà nói trên giời thế. Này, đàng này nói cho cái đàng ấy biết là trong cái thành phố mang tên Bác, nơi mà đàng này đang trọ học ngành quản lý giao thông, người ta ghi hẳn hoi chỉ 25 nghìn thôi đấy, mà 2 đôi chứ chẳng phải một đâu nhé. Mẹ kiếp, phen này ông mà học xong quản lý các loại, ông về đây hốt sạch các mụ về học lại giáo dục công dân nhé…Khỉ ạ, đang nghĩ miên man thế thì con mụ kia tay huơ huơ tờ giấy đã túm lại, tay kia cầm cái quẹt ga làm như chuẩn bị đốt vía ai đó, miệng thì há toạc ra, này, có mua không thì bảo, cứ xớ rớ đứng đấy là đàng này đốt cho mất cả vía lấy vợ nhé. Ối giào, này bà chị, bà nói trên mây thì ai mà dám mua! Vậy bao nhiêu thì được, cứ nói thử xem nào. Gãi đầu, thằng cháu tôi đánh liều, cái dép ngữ ấy chỉ hai sáu nghìn là cùng! Ơ, thì đàng này bán đấy. Thế có cáu tiết không cơ chứ.Và nó đành phải mua đôi dép hà bá ấy cho khỏi lôi thôi với con mụ chanh chua. Đấy, đôi dép vớ vớ vẩn vẩn mà người ta còn hót lên 260 nghìn mà đàng này các bác nghĩ sao mà…

    Quả đúng như thế, các bác nói rằng nếu không có sự trợ giúp của ai đó, người thì bằng này, kẻ thì bằng nọ thì chỉ có nước ban điều hành điều tỏi phải se ra, mỗi người một ít mà gánh, chứ nợ hàng ăn ai mà dám. Nghĩ đến đấy, tôi giả bộ chạy ra cái xe, soi vào gương xem mặt mình xanh hay xám. Ây da, màu nam nám thôi, vì mình có điều hành điều chế gì đâu mà run thế! Các bác mới giải thích rằng thật ra các bác đã suy nghĩ cả mấy đêm có ngủ về vấn đề này. Các bác, dĩ nhiên là giỏi hơn tôi vì là cấp trên của tôi mà, bảo, nếu mỗi người 200 rồi lại thêm cái khoản niên liễm thì nặng quá, nên lùi lại cho bà con dễ đến vui chơi ấy mà. Đến đây, tôi mới thấy mình không được làm quan như các bác ấy là đúng lắm. Chứ nhiều nơi, người ta cứ điều mấy cái kẻ dốt làm này làm nọ. Chưa làm thì to mồm lắm, làm xong, mồm bé hẳn lại, chỉ có tai là sưng vù vì bị nghe nhiều văn tế sống!

    Các bác còn dẫn chứng. Cả trăm người dự tiệc mà chỉ có ¼ là có đóng niên liễm. Hỏi niên liễm để làm đí gì thì, các bác nói, thưa để làm quỹ thăm viếng khi hữu sự. Này nhé anh đau, vợ anh ốm(trừ ốm nghén), tứ thân phụ mẫu anh cũng vậy,thì các bác ấy đến thăm, thế mới là dân St Thomas  chính hiệu chứ ai lại đến người không thì tay để đâu cho hết! Rồi còn ma chay nữa, không lẽ anh chết mà người ta nỡ lòng nào không tổ chức cho mọi người đến vĩnh biệt ngàn thu với anh. Lại còn vợ anh nữa. Anh là bạn học với tôi chứ không phải với vợ anh, nhưng cũng phải tới cho vẹn nghĩa vẹn tình chứ! Lại còn ba má anh, ba má của vợ anh(trường hợp anh 5,7 vợ tôi chưa thấy nói đến, nên tôi không biết à nghen!)…Rồi lấy tiền đâu ra mà phúng với viếng cho rõ rành rành là mọi người đều có trách nhiệm liên đới với nhau. Hay anh chỉ đi ăn là đủ. Còn hễ anh và…có bề gì thì các bác cứ alô là xong. Khó nghe quá! Anh có chui xuống địa ngục, chắc anh cũng phải tìm cách chui ngược lên (có sao đâu, chết là cùng, mà anh đã chết rồi cơ mà) rồi hách xì xằng mà la lên rằng, hây, thôi ta chẳng chết nữa đâu, vì chả có đứa nào đến khóc cho ta dù chỉ là trong giấc mộng.

    Thế nên, khi các bác nghĩ và nói đến đây, thì…tịt cả. Họ hẳn đau khổ vì chưa biết phải giải quyết cách nào thể nào cho linh hoạt mà lại hiệu quả. Vậy là tôi hiến kế như thế này, xin bà con nghe thử.

    Đàng nhà kia, nơi có mấy cái máy chơi gì gì đấy mà tôi không biết, chỉ biết là muốn tham gia thì phải có tiền. Họ mua mấy đồng xu đẩy vào máy thế là đua chó đua ngựa đua linh tinh gì đấy. Có người xuýt xoa vì xém thắng, có người xoa xuýt vì chưa thua, thỉnh thoảng có người nhảy cỡn lên vì trúng quả. Rồi cũng có kẽ ủ rũ ra về. Chắc nó mất cả “chai”. Có cặp vợ chồng nọ đi ngang, họ đẩy cái xe bán quần áo bá láp bán trên vỉa hè ngoài phố. Anh chàng để vợ ngoài đường rồi vào tiệm chơi. Chắc thua hết 50 nên quyết gỡ gạc. Chàng gọi cả vợ vào, chàng mua cho chàng 50, mua luôn cho vợ 50 (Quả là khôn, vì bề gì thì anh và em đều cùng chơi mà, khỏi mè nheo chi cho tốn nước miếng!) Dĩ nhiên là thua trắng chứ còn gì!

    Các bác ạ! Đến chơi thôi mà còn phải cố gắng chứ đừng nói đến chuyện khác. Ý kẻ hạ dân này là mời các bác cứ vui chơi cho thỏa cái tình xưa bạn cũ, còn cái khoản đóng góp thì các bác cứ hết lòng, ai có khó khăn thì nói nhỏ với anh chị em là xong. Vì họ cũng muốn các bác cùng chung vui, thì các bác ấy lại phải xoay xở sao cho có. Ôi! Tài cán gì đâu! Chỉ là lấy của ai đó rủng rỉnh hơn mà đắp cho mọi người cùng ấm ấy mà.

    Các bác thấy đấy! Dân St Thomas chúng ta cũng tình cảm lắm chứ. Có mấy bạn khó khăn gì gì đó mà cũng có kẻ xa người gần đưa tay đỡ đần, thậm chí còn gửi cả lộ phí. Tiếng là của chung, nhưng thật ra là của ai đó muốn chia sẻ cho ra tình bạn mà lại kín miệng, sợ người nhận suy nghĩ xa xôi. Bần dân xin gợi ý thế này nhé! Ai có lòng và có điều kiện, xin đỡ cho cái nhúm St Thomas lúc còn chưa ra khỏi nôi này chút chút, nhất là thời gian đầu, để niềm vui được bền lâu, và để cho các bác trong ban điều hành nhẹ cái đầu! Thiệt là tội nghiệp họ lắm thay.

    Trước khi đi ngủ, tôi xin phép (có xin phép đàng hoàng) được xin lỗi vì những lời dài dòng mà chẳng hay ho trên đây, chẳng may làm các bác buồn hoặc đêm nay khó ngủ. Tự nhiên tôi nhớ cái bài, đừng sầu đừng trách nếu ai hững hờ…Mà tôi nào có hững hờ dù chỉ là chút chụt. Vậy đừng trách, mà cũng đừng hững hờ với tôi, í quên, với bạn xưa St Thomas nhé.

     

     

    LAM TRẦN 14.07.2013

     

  • du ngoạn, sau đại hội.

    du ngoạn, sau đại hội…


     

  • Họp mặt ngày Truyền Thống…

    Ngày Họp Mặt Truyền Thống Saint Thomas năm 2013


    Được sự chấp thuận của cha bề trên chánh xứ   Micae, nhóm Cựu học sinh trường Saint Thomas (nay là trường Hàn Thuyên) đã tổ   chức thánh lễ trọng thể tạ ơn và cầu nguyện cho các thân hữu đã qua đời, lúc   17g30 chiều thứ bảy 06-7-2013 tại thánh đường giáo xứ Đaminh Ba Chuông. Thánh   lễ do cha phó bề trên tu viện Giuse Nguyễn Đức Hòa OP. chủ tế, cùng đồng tế   với ngài là cha nguyên chánh xứ Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu OP. Hiệp thông   trong thánh lễ còn có hơn 100 anh chị cựu học sinh trường Saint Thomas và   đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

     Qua lời giới thiệu, cha Giuse nhắc nhở cho mọi người nhớ   mái trường Saint Thomas do tu viện Alberto quản lý và tổ chức. Bản thân cha   Giuse là Giám Học, và cha Phanxicô Hiệu cũng là học sinh của trường. Trường   được thành lập năm 1962 với số lượng học sinh rất đông. Sau ngày giải phóng,   khi bàn giao cho chính quyền, thì trường có khoảng 9.500 học sinh, cùng với   hơn 200 giáo sư.

    Cha Giuse đã nói lên sự xúc động khi hiệp cùng các khuôn mặt   học sinh thân thương ngày xưa dâng thánh lễ tạ ơn này. Cha chúc mừng sự gắn   bó trong tâm tình yêu thương của các anh chị từ khắp nơi gần xa, hàng năm đã   quy tụ về dự buổi họp mặt thân tình này.

  • quà sáng sớm…

    Quà sáng sớm…

    Sáng ra, trời còn chưa nhiều nắng, đã có ai đó gọi điện thoại. Tôi nhấc máy và biết đó là Phúc Chinh qua cái giọng lè nhè vì bệnh của chàng. Chiều hôm kia, vợ chàng đã đưa chàng lên Sài gòn sau 11 năm chàng chưa được về cái thành phố mà chàng sống từ tấm bé. Và đã gần 40 năm chàng chưa có cơ hội để về chốn xưa: mái trường St Thomas yêu mến với các bạn bè thuở nào thân ái. Tôi thấy rõ trong đôi mắt của chị bạn chàng có giòng lệ cố ngăn lại khi chàng xướng đúng tên chị sau bao năm cách xa ấy. Họ vui đến nỗi vợ chàng-người phụ nữ hiền hậu và xốc vác- tự rời xa chồng một khoảng để 2 người bạn xưa được vui cái vui toàn vẹn. Chàng đi không vững vì vốn có bệnh động kinh, rồi lại bị tai nạn giao thông cách nay đã nhiều năm. Chị Dung, vợ chàng, dìu chàng đi từng bước, họ cùng cố gắng để cho chàng có những giây phút quý báu ấy, những phút giây mà những người còn khỏe mạnh chẳng lấy gì làm khó khăn để tìm kiếm. Họ cùng vào dự thánh lễ; rồi tuy chẳng khỏe gì, chàng cũng cố ngồi dự tiệc với các anh chị em trường xưa. Loay hoay một lúc, tôi mới có thời gian để ngồi cạnh chàng. Chỉ hơi quay người về phía sân khấu, chàng đã suýt bổ nhào xuống đất. Tôi và Dung đỡ chàng ngồi lại trên ghế, và xoay thế ngồi của chàng hướng thẳng vào tâm bàn cho tạm vững. Tội nghiệp! Nhưng chàng vẫn vui và trả lời mọi câu hỏi của bạn bè với cái giọng cũng chẳng vững hơn đôi chân ấy. Tôi gắp thức ăn vào chén chàng. Chàng cố gắng lắm mới có thể gắp được lưng chén gỏi đưa vào cái miệng móm mém. Tôi nhớ có lần, khi tôi đến chơi, trong bữa ăn, Dung phải đút cơm cho chồng. Hôm nay, có lẽ cô ấy ngại vì có nhiều người lạ nên để mặc chồng với niềm vui, lát nữa Dung sẽ lo cho chồng mình ở nhà thì tiện hơn.

    Chinh gặp lại được các bạn có mặt hôm ấy, và chàng nhận ra mọi người. Các bạn đều vui, vì biết rằng bạn mình tuy đã trải qua những tháng ngày khó khăn, nhưng trí nhớ vẫn còn rất tốt. 8g10, Dung nói, chắc em phải đưa anh ấy về. Tôi nói chị nán lại mươi phút nữa để tôi có dịp được giới thiệu họ với mọi người, giới thiệu cái phi thường của người phụ nữ này, giới thiệu cái anh chàng từng làm thơ thật hay, vẽ rất đẹp và đàn hát thì hết chê. 8gh30 họ ra về, trong tích tắc trước đó, họ đã kịp chụp với chúng tôi 1 pô hình, kịp cho 1 người bạn trai rất lâu không gặp và hôm nay nhận ra nhau, chàng đọc tên bạn mình không cần 1 giây suy nghĩ.

    Tối hôm đó, khi đã khuya có người đt đến nhà tôi hỏi số đt của Chinh và sốt ruột vì không biết vợ chồng Chinh đã về nhà an lành chưa. Tôi an ủi chị và cho biết, ban tổ chức đã đề nghị và Dung đã thực hiện: đưa chồng mình về nhà người quen ở Lăng Cha Cả rồi sáng hôm sau mới về Củ Chi. Lúc ấy, người gọi đt mới thở phào nhẹ nhõm. Thật cảm động cho một tình bạn như thế!

    Một người trong BCH gọi giật tôi lại và hết sức áy náy vì đã quên chưa đưa chút tiền đã chuẩn bị sẵn cho vợ chồng Chinh về vì đường xa. Lại một lần nữa tôi phải trấn an con người tốt bụng này. Sáng hôm sau, lại 1 người khác trong BCH gọi cho tôi cũng với đề tài cũ :chi phí cho việc di chuyển của anh chị Chinh. Tôi lại trấn an. Rồi tôi phải gọi cho Dung về việc ấy. Đến lượt, D lại trấn an tôi, tụi em về đến nhà rồi! Thế anh chị đi xe gì? Đấy, anh biết đấy, a Chinh không thể ngồi xe máy vì chắc chắn sẽ ngã. Đường xa, nếu có người ngồi sau giữ anh ấy thì sẽ lôi thôi vì phạm luật; nhưng có đứa cháu có chiếc 4 bánh nên nó tự nguyện chở bọn em đi, chỉ tốn tí ti thôi mà, các anh chị đừng lo! Chẳng hiểu D nói thật hay không, nhưng tôi biết chắc rằng chị cũng muốn giữ lòng tự trọng. Và đó cũng là điều đáng quý. Tối đến, lại có người trong BCH gọi đến, cũng cái chuyện tiền xe, tôi lại l trấn an sự chu đáo của các anh chị ấy, và chúng tôi bàn nhau, thôi để khi nào đứa con thứ 2 có kết quả thi tuyển đại học, thì số tiền ấy sẽ chuyển cho cháu như món quà của cả gia đình St Thomas gửi tặng. Chị ấy vui vẻ vì có cái giải pháp nhẹ nhàng này.

    Khuya hôm qua, con tôi báo cho tôi có bác Chinh gọi đt, tôi quyết định không nghe vì có lẽ chàng cám ơn ấy mà. Con tôi đành nói dối, bố cháu qua nội chưa về.

    Rồi sáng nay, chàng gọi cho tôi. Tôi hỏi, có gì đấy? Tớ có bài thơ mới “chế” để tặng cậu; Cậu lấy bút chép nhé. Thôi, cậu cứ viết ra giấy đi, hôm nào tớ lên lấy sau nhé! Không phải tớ lười nhưng tớ nghĩ cậu cố gắng thì sẽ viết lại được mà. Chị Mai cũng như cậu mà bây giờ làm 5,6 bài đưa tớ rồi đấy! Nhưng lần này thì cậu cứ chép cho tớ đi. Vậy là tôi chép lại bài thơ mà chàng cứ nhất định là tặng riêng cho tôi. Nhưng tôi quả quyết với chàng, dù cậu có tặng…ông nội tớ thì tớ cũng nhất định để mọi người cùng xem, xem trong hồn cậu có gì nào. Và đây là bài thơ ấy, tôi cũng muốn dành tặng cho tất cả những ai có tâm tình của người con St Thomas, như một món quà đầy ân tình, những ai đã dành cho bạn tôi-Trần Phúc Chinh- cái xao động thật sâu và thật lâu trong hồn.

     

         THƠ TỰ CHẾ

    Ba mươi năm chẳng làm thơ.

    Tưởng rằng thơ phú bây giờ đã quên.

    Hôm nay cầm bút giấy lên.

    Mới hay thơ vẫn còn len trong hồn!

    Thơ làm tan bóng hoàng hôn.

    Thơ làm tan dấu những buồn phiền xưa.

    Ba mươi năm lại làm thơ.

    Chắt chiu như kén nhả thơ cho đời.

     

    TRẦN PHÚC KIỀU TRINH

     

     

  • bạn bè…

    bạn bè…


    Dù đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ lớp tôi học nằm ngay đầu cầu thang lầu 1, dãy lớp mới xây ở ngôi trường mang tên St Thomas, vị Thánh mà mới đây tôi đã làm một bài hát để tôn vinh Ngài, việc mà tôi đáng ra phải làm từ lâu, nay giật mình mới thấy mình thiếu sót, nhất là tôi từng là học sinh trong ngôi trường mang tên Ngài, ngôi trường mà chỉ cách nay ít hôm, tôi mới biết, thực ra đã có từ xưa ngoài Bắc, rồi về Vũng Tàu, sau này mới đến trong Giáo Xứ Đa Minh-Ba Chuông.

    Ký ức của tôi về lớp và trường, tệ thật, là rất ít. Nhưng lạ thay, chỉ nửa năm qua là đã như hoa nở đầy trong hồn tôi với thật nhiều rung động. Cứ như luôn có một làn gió nhẹ len qua những nhánh lá còn đọng sương buổi sớm, hồn tôi trong suốt những tháng ngày gần đây luôn có cái gì đó khuấy động làm tôi phải có một cái gì đó để làm: một ít tâm sự lẩm cẩm, vài giòng thơ xoàng xĩnh,thỉnh thoảng kiếm ai đó có liên quan đến ngôi trường, đến lớp học, chỉ để uống 1 ly ca fe, chỉ để tào lao chuyện trời trăng rồi rốt cuộc lại nhắc đến ai đó xa gần,hay nghe cái giọng quen thuộc qua điện thoại, có khi đến hàng giờ.

    Rồi rất nhanh, tôi cảm thấy thân với rất nhiều người, có khi chỉ biết nhau qua tấm hình trên mạng, hoặc ngứa mồm khi đọc được của ai đó chút sẻ chia, mà nói thì không được, nên cái máy tính đã giúp tôi bắt chặt được bàn tay ai đó, lạ mà thật quen. Những hồi ức về chốn xưa, đường cũ cũng làm cho ai đó từng đi trên con đường ấy, từng sống nơi khu xóm ấy…rồi lại quy tụ về 1 điểm: khát khao tìm bạn.

    Mái trường cũ, lớp học xưa cũng theo cách thức đơn sơ ấy: Kỷ niệm một thời làm bạn bè háo hức tìm nhau. 1 cái tên nghe quen quen cũng đủ làm dấy lên câu hỏi luẩn quẩn mãi trong đầu: Bạn ấy nom thế nào nhỉ? Nếu có một chút duyên mà gặp được nhau, có lẽ phải ôm chặt nhau lắm mới có thể diễn tả cái niềm vui đột ngột mà mạnh mẽ dường nào! Một cái tin không vui của ai đó mang máng trong trí nhớ, có lẽ cũng đủ làm ta khẽ khàng chép miệng, và cố tìm cho ra tấm ảnh bạn xưa, tìm cho thấy tên Thánh của người quá cố, để tối về, nếu không vì quên thì cũng đọc cho người ấy đôi kinh…

    Trừ 1 người bạn trai bệnh tật ở đây, và 1 anh bạn xa xứ đã liên lạc với tôi từ 7 năm trước, và trừ ra bạn trưởng lớp đã qua đời ở nước ngoài, tôi chẳng còn lấy 1 anh bạn nào cùng lớp để rủ nhau đi uống café, hay thỉnh thoảng cụng ly cho đậm cái thân tình. Dĩ nhiên, những anh bạn xa gần mới quen đều rất dễ thương, đến nỗi hàng ngày đều gặp nhau, chí ít qua cái máy tính. Mà nụ cười cách hàng ngàn km, tôi vẫn cảm nhận được, vui đùa được 1 cách thân ái và hồn nhiên như còn trong lứa tuổi học trò.

    Cái khoảng cách diệu vợi ấy cũng không ngăn được người bạn gái của tôi, thỉnh thoảng lại gọi cho tôi như gọi cho người trong nhà, tâm sự với tôi như anh chị em ruột thịt. Chị nhờ tôi, và tôi còn muốn hơn chị, tìm người nọ kẻ kia trong lớp học ngày nào, chỉ để thăm hỏi, động viên, và thỉnh thoảng chị nhờ tôi trao giúp chút quà đầy thân ái. Mấy ngày gần đây,trước và sau ngày hội ngộ St Thomas, chị xăng xái gấp đôi gấp ba, gọi cho người nọ người kia, nhờ em trai chị (ô hay lại là bạn của em trai tôi) chuyển cho tôi quà mà chị muốn gửi cho ai đó. Chị trực tiếp gọi cho họ mà chẳng nói năng gì về quà chị gửi, đến khi tôi đưa sang thì họ thật ngạc nhiên vì, ủa, T mới đt cho mình mà có thấy nói gì đâu! Tôi chỉ cười chia vui với bạn.  Tối hôm qua, người nhận được quà nhắn tin cho tôi, nếu T có đt cho tôi, thì làm ơn cho gửi lời cám ơn sâu sắc nhé. Bạn khác, sau khi nhận được quà, gọi các con về cái phòng thuê bé tủm của vợ chồng chị, làm 1 bữa ăn gia đình cho vui; con trai chị ấy hỏi, tiền đâu mà mẹ có vậy? Ừ, cô T cho đó! Cũng cô T hả mẹ? Có nghĩa là T hay quan tâm tới bạn bè. Rồi T lại gọi cho tôi, líu ríu như chim, kể về các cuộc đt cho các bạn ở đây như thế nào. Tôi thật sự mến chị vì sự gần gũi và nhiệt tình của chị. Và tôi tìn rằng chồng chị-một tài xế taxi-cũng có trái tim đầy tình yêu như vợ mình.Có lẽ họ còn sôi động hơn chúng ta trong ngày vui hội ngộ St Thomas!

    Không phải chỉ có T, còn có nào N, nào H…Họ luôn thể hiện cái tình trong lòng họ qua những lần họ làm những điều tử tế như thế với bạn bè. Họ luôn làm cho tôi phải cố gắng hơn để sống sao cho có ý nghĩa trong cuộc đời.

    Cũng không phải chỉ có những con người cụ thể ấy thôi đâu, mà trong chúng ta, những người con của St Thomas, cũng có nhiều và thật nhiều những tấm lòng, những tâm hồn nắng đẹp. Họ luôn như các thiên thần bé nhỏ, làm sứ giả tình thương và tình thân mà Thượng Đế sai đến để nhắc nhở rằng, cuộc đời vẫn luôn đẹp nếu ta có niềm tin. Và có khi ta thấy, Thượng Đế có hình tượng như bạn bè ta đó.

                                                                                                                  

     

     LAM TRẦN  09.09.2013