
có một người bạn như thế…
Tôi chơi với anh đã nửa thế kỷ nay. Cái anh chàng đầu bù tóc rối và tâm hồn đầy thơ, nhạc và cà-phê. Dường như bộ ba này luôn gắn bó với nhau thì phải.
Tôi quen anh khi học chung lớp đệ Thất thuở ấy, anh học cũng khá, và chúng tôi không chỉ là bạn học chung trường, chung lớp, mà sau này còn chung những sinh hoạt khác. Chỉ hơi tiếc là chẳng bao giờ anh vượt lên trên tôi chỉ vì quá hiền, mà dường như hiền cũng có nghĩa là…chậm.Tuy vậy, chúng tôi luôn là đôi bạn thân.
Và cũng như biết bao gia đình đông con ngày xưa ấy, các em của anh lại học chung với các em của tôi, và vì vậy, tình thân lại dầy thêm gấp bội. Các em luôn coi bạn của anh mình như chính anh mình vậy. Và mẹ cha chúng tôi cũng đầu tắt mặt tối để nuôi con mình. Anh phụ mẹ bằng việc dệt chiếu cói hàng ngày, tôi phụ mẹ việc bán bánh mì khi thì gánh rong, khi thì nơi cái xe cũ kỹ đậu ở ngã tư.
Đi đâu cũng có nhau, rời trường cũ sang St Thomas khi vào lớp đệ nhị, chúng tôi cũng theo nhau, tôi ghi tên học lớp B, anh ghi trễ nên học A. Nghĩ sao đó, tôi cũng ghi lại vào lớp A học cho có bạn. Và đó, lớp A chiều niên khóa 1971-1972 của chúng tôi bắt đầu như vậy đó.
Sau khi lấy Tú Tài 1, tôi rời sang trường khác, anh còn ở lại trường cùng các bạn khác mà giờ đây đã mỗi người một ngả. Về sau, tôi biết anh thi rớt 1 năm nên chúng tôi không còn gặp nhau khi tôi bắt đầu vào đại học. Thỉnh thoảng gặp nhau ở đâu đó, chúng tôi vẫn là đôi bạn thân thiết, có lẽ là vì anh là người dễ bị bắt nạt chăng.
Biến cố 30-4-1975, quả là quan trọng cho tất cả mọi người, trong đó có chúng ta, và có 2 anh em chúng tôi nữa. Ngay hôm sau, tôi đã tìm đến anh chơi trong tâm trạng rối bời chẳng hiểu cuộc đời sẽ ra sao. Anh lấy cái mobiette xanh của bố, chở tôi đi lòng vòng lên trung tâm thành phố.Đường xá cơ man nào là vết tích của chiến tranh và hậu quả của nó. Phố xá xôn xao, lòng người nháo nhào những cảm xúc bất định, người người ngược xuôi trên đường lúc này chả còn trật tự giao thông gì nữa. Sau cái hãi sợ của 1 thành phố bị chiếm đóng là cái tò mò của người dân. Cũng có đâu đó cào cấu vật dụng của những người ra đi. Chúng tôi mò vào khu cư xá Hải Quân gần bến Bạch Đằng: Người ta tha hồ đập phá, và chở những vật dụng lền khên về đâu đó. Chúng tôi chỉ biết nhìn rồi lại quờ quạng trên chiếc xe, trở về nhà, bụng thầm nghĩ, thôi hết rồi.
Mà cũng chẳng hết, chúng tôi lại lọ mọ tham gia vào việc dọn dẹp đường phố. Được 1 thời gian thì tôi cũng oải mà theo chân người quen về…cày ruộng như bao người. Anh vẫn còn mãi tham gia phong trào này nọ nơi đoàn thể gì đó ở phường, có lẽ là văn nghệ văn gừng gì đó.
Rồi ruộng cũng chẳng nuôi nổi cái thân cựu sinh viên quèn, gia đình tôi lại trở về thành phố lúc ấy còn đói rách lắm. Tôi lần hồi mãi rồi cũng tàm tạm với cái nghề bán đồ lạc-xoong vệ đường. Tuy chẳng dư giả gì, nhưng cũng nuôi sống chính bản thân và giúp đỡ cha mẹ đang oằn lưng trong những ngày đất nước bị cấm vận. Thỉnh thoảng gặp anh, thấy anh vẫn chẳng làm được cái gì, ngoài những bài thơ trau chuốt kỹ lưỡng trên những tờ pơ-luya,bên ly cà phê, và bên cái đầu lười chải cho có vẻ nghệ sĩ của anh. Đàn, nhạc, thơ, vẽ…anh đều có, chỉ tiền là không. Nghĩ sao đó, tôi kiếm 1 anh bạn chung, nối họ với nhau, và giúp bạn mình chút tiền làm vốn, anh bạn kia giúp học cái nghề làm diêm quẹt, sau này, có thêm 1 người bà con của tôi tham gia. Và cũng như các lần trước, anh chẳng có khả năng làm gì thiết thực. Người bà con của tôi sau này tách ra và rất thành công trong công việc chung trước ấy. Người bạn tôi kéo vào cùng anh sau đó mất tích trong 1 chuyến vượt biển.
Anh mở cái quán cà fê nho nhỏ, mà khách là bạn bè sinh hoạt cùng ca đoàn. Vì chữ đẹp, vẽ tốt nên chúng tôi nhờ anh kẻ nhạc trên giấy stencil để chúng tôi đem in cho mọi người dùng. Anh hay bị tôi la vì cái “tội” viết sai. Mà nào có đồng lương cắc bạc nào.Nhưng chả bao giờ anh buồn vì bị bạn…la. Tôi thật là quá quắt.
Mãi mà chưa lấy vợ. Thế là tụi tôi mồi chài bạn bà xã tôi cho anh. Chả hiểu vì sao mà rốt cục cô ấy lại trở thành em dâu anh nữa. Rồi anh cũng lập gia đình với 1 cô giáo nhà trẻ. Trên xe rước dâu đã đi được một đoạn đường, tôi hỏi anh: Mang theo nhẫn cưới chưa vậy cha? Anh thò tay vào túi áo rồi la hoảng: “Chết rồi, tao quên ở nhà rồi”. Thế là dừng xe, người nhà (mà nay đã ra người thiên cổ) phải mò về lấy cho chàng “bửu bối”.
Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau, vì đường ai nấy đi. Cho đến 1 hôm, tôi nghe tin rụng rời, anh chở vợ con lao vào cột đèn. Bất tỉnh 3 ngày. Chúng tôi cũng chả giúp đỡ được gì vì còn nghèo lắm,nghèo cả tiền bạc, và nghèo cả nghĩa tình. Nghĩ mà áy náy.
Rồi anh cũng hồi phục, nhưng trí nhớ đã mất. Anh lơ mơ lắm khi nói về chuyện ngày xưa. Lúc ấy, anh đang có đứa con gái đầu lòng. Hay ở chỗ, chả hiểu sao, sau tai nạn, 2 anh chị lại có thêm được 2 đứa con trai nữa. Thế mới tài! Anh long rong lội bộ bán vé số. Có hôm ghé nhà tôi than thở: Tao bị lừa đổi vé số cạo sửa. Rồi anh gặp lại 1 bạn chung. Người này mời anh vào nhà, đưa cho anh 500 USD và khuyên anh về quê mà sống, chứ ở đây chẳng làm được gì đâu. Anh nghe lời anh bạn tốt bụng ấy và về ở gần 1 nhà thờ trên đường đi Củ Chi. Việc ấy đã 17, 18 năm nay rồi. Người giúp anh lúc ấy là bạn cùng GX cũ, cũng là 1 cựu HS St. Thomas.Có thể nay mai, anh ấy sẽ đọc được những giòng chữ này.
Vợ anh là người chất phác. Gia đình anh về ở chung với mẹ và em vợ. Người em bị bệnh tâm thần, có khi em vợ-anh rể choảng nhau phải đi bệnh viện. Bà mẹ vợ sau này già yếu, lại bị bệnh nên thôi không còn bán rau gần nhà nữa. Chỉ có vợ anh đi làm. Người ta cử chị đi bồi dưỡng gì đó, tưởng sẽ lên chức, nhưng ai dè, lại phải xuống bếp nấu cơm cho nhà trẻ. Bạn tôi, không biết làm gì, trí nhớ dần hồi phục nhưng nói năng chậm chạp và phát âm ngọng nghẹo và ồm oàm lắm. Anh chỉ chơi với có duy nhất 1 người hàng xóm đồng tuổi. Sau đó anh này qua đời, và anh chẳng còn ai để chơi. Vợ anh làm thêm bánh ngọt lặt vặt kiếm thêm. May là còn được căn nhà của mẹ nên gđ vẫn còn chỗ sinh hoạt. Và lạ thay, vợ bận suốt ngày, anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng dạy con được chữ nào mà chúng học hành đều giỏi cả. Con gái lớn đang học năm thứ 2 Đại Học Kinh Tế. Hai đứa còn lại, đứa lớp 12, đứa lớp 9.
Thỉnh thoảng chúng tôi cùng bè bạn ghé thăm gia đình anh. Có khi có chút quà, có khi chả có tí gì, nhưng vợ chồng anh luôn luôn nồng nhiệt kèo nài chúng tôi ở lại dùng cơm. Có khi chị vợ còn cho bọn chúng tôi quà là 2 trái mít thật ngon, hái ở trên cây đầu rào nhà.Anh bạn biếu anh 500USD ngày xưa, hiện ở Mỹ, —Sau này chúng tôi đã gặp lại. Hai năm nay, cứ gần tết lại về VN, nhờ tôi gửi anh chút quà Tết và yêu cầu đừng nói là của anh, mà cứ nói là của tôi cũng được. Anh quả là người tốt !!!
Đã hơn 10 năm nay anh không về Sài Gòn, như anh nói trong 1 lần điện thoại cho tôi. Lúc đầu tôi định đến lôi anh về, nhưng sau lại thôi vì sợ di chứng lần đụng xe. Tôi giải thích cho anh như vậy, và anh hiền lành nói không sao đâu, không sao đâu.
Tôi vẫn khuyến khích anh cầm bút lên, viết cái gì đó đi, rồi nói con gái gửi lên cho tôi, tôi sẽ giúp anh giải khuây khi nhờ ai đó đăng trên những trang web bạn học xưa, trong đó có St. Thomas chúng ta. Tôi luôn nhắc anh: Hồi xưa, ông làm cho con bé lớn nhà tôi 1 bản nhạc “Trong Ngôi Trường Ngói Đỏ”, tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Bây giờ thử làm lại đi xem sao! Rất tiếc nhà xa nhau nên tôi chả ép anh thêm chút nào. Thỉnh thoảng anh vẫn alo cho tôi, cái giọng ngòng ngoàng nhưng vẫn còn nghe được “Khỏe không Lãm”
Tôi thấy vui vui khi anh vẫn còn bấu víu vào cái đơn sơ nhất: người bạn 50 năm, để thêm vào chút thi vị nhỏ nhoi của anh. Tôi ước anh viết được 1 bài thơ như ngày xưa, tôi ước anh đàn tôi hát bài gì cũng được, ậm ừ vì quên lời cũng được.Tôi ước có ai đó biết anh TRẦN PHÚC CHINH, bạn cùng lớp với TRẦN ĐỨC HẬU, HOÀNG THỊ NGÂN,MAI THỊ LOAN tự LOAN RUỒI,PHẠM THỊ MAI,NGUYỄN NGỌC THU, NGUYỄN THỊ THƠ, NGUYỄN XUÂN KIM, TRẦN KÍNH LÃM…phone cho anh, hay có dịp ghé gia đình anh để anh chị ấy có thêm niềm vui .
*Địa chỉ:TRẦN PHÚC CHINH, số 30, đường 72, khu 2, ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Sài Gòn
*Đt 3796 1626: Số đt này cả ngày có khi chẳng có ai ở nhà vì kẻ đi làm, người đi học, Chinh ra trường chỗ vợ làm ngồi chơi, ở nhà chỉ có người em tâm thần và bà cụ.
*Đt Chị Dung, vợ Chinh: 0164 3306 538
LamTran05/2013