hồn sao…
Ơ kìa những trái sao xoay
Đu đưa trong gió, trong lời ca dao
Hồn ta thong thả biết bao
Chân phiêu trên cỏ, tim dào dạt vui
Ngại chi chẳng nở nụ cười
Có khi ngây dại như trời sao kia…
LAM TRẦN 29.05.2012
Vượt gần 200 km, nếu không có cái đám cưới của người bà con thì có lẽ chuyến đi chả có gì bổ ích. Chiếc xe lắm khi phải chạy với tốc độ của rùa để khỏi bị phạt vì chạy quá tốc độ quy định, dẫu trước và sau nó, chẳng có chiếc xe khách nào đồng hành. Có chăng là thỉnh thoảng vài chiếc xe gắn máy phóng như bay, trên lưng cõng theo những chàng trai có khi trần trùng trục, đầu chắc cứng như kim cương nên cần gì phải nón mũ cho bớt phần yêng hùng xa lộ.
Thỉnh thoảng, trải dài men vệ đường là thảm cúc dại xanh xanh vàng vàng ngút mắt. Những cánh lá và những nụ hoa dễ thương dán sát xuống mặt đất tựa hồ tấm nệm êm ái và dễ thương. Chà! Êm mà nóng bà cố thì có. Nhìn kìa, trời trong vắt, ánh mặt trời ngoài ô cửa rõ ràng đang vắt kiệt cái toan tính ngừng lại đôi phút để ghi vào ống kính những khung cảnh bao la của đất trời, những trụ điện cao ngất ngưởng máng trên vai chằng chịt những dây với nhợ; hay hình ảnh chú bò đang trề cái môi ra chê bai đoàn người ngồi trên xe : Các ngài ơi! Xem ta đây, ta cần gì điện với đóm, ta mong chi máy lạnh máy nóng linh tinh, ta cứ tự do lưng tưng trên bãi cỏ, thậm chí ta có thể tự do…thả bom tùy thích. Bò..ò..ò..ò..ò…
Xe bắt đầu vào nơi cần đến. Những nụ cười hiện ra từ xa. Dân thành phố về chơi cũng hân hạnh lắm chứ bộ. Mọi người xuống xe, vài người vươn vai, kẻ khác than chân tê rần, có người té cái oạch vì dẫm phải bờ ổ gà trơn trượt những đất đỏ và nước mưa đọng lại từ hôm qua. Người té xuýt xoa, người chẳng té bụm miệng cười, người nhà quê chắc nghĩ thầm trong bụng: Hân hạnh đón chào các bác thành đô, coi chừng té nữa mấy cha, hết quần áo về đí nhá.
Tắm rửa sơ sơ, vừa kịp nhìn thấy vườn cao su ngay hàng thẳng lối, những cây mít cao nghệu đính đầy trái xù xì mà hấp dẫn. Trên kia, thằng tắc kè từ cành cao nheo nheo con mắt nhìn đoàn áo xanh áo đỏ cứ loay hoay qua lại trong vườn, cho tới khi cô nàng nào đó thất thanh, ú ớ Úi ui ùi, con…sâu và ù té chạy, trên tóc còn vương 1 đoạn tơ mà thằng con nhà sâu tinh nghịch vừa đu xuống. Thằng tắc kè chóp chép cái miệng: Nhát…khè! Mắc…tè! Và lẩn mất.
Đoàn đi hỏi vợ cho thằng cháu lại lên xe, cũng có xe hoa dẫn đường, chạy loanh quanh qua những mộc mạc miền quê, rồi thả mọi người xuống đầu cái hẻm be bé. Hàng ngũ chả lấy làm tề chỉnh gì lắm cũng lọ mọ theo con dốc xuống nhà gái. Nhà đã đông người, mùi nắng đã chín trên từng tấm tole, mùi nước hoa của các bà các cô hòa cùng mùi thức ăn, trộn lẫn với những chộn rộn chuẩn bị cho 1 bữa tiệc vui, làm người ta quên đi căn nhà đơn sơ, chẳng bày biện gì, vì đã có lũ nhện mạn phép giăng tơ khắp khắp. Rồi kinh kệ, rồi chúc tụng, rồi mời mọc nối nhau diễn ra, mặc cho cái gay gắt của mùa hạ, mặc cho ánh lửa bếp gas đang loay hoay dưới đít nồi…Mọi người rất vui vẻ cụng ly và nói lên bao ngôn từ ưng ý nhất. Lẽ dĩ nhiên, cô dâu là người vui nhất. Cô đã 1 đời chồng, cô có 1 đứa con, rồi chồng cô bị tử thần quyến rũ mà về miền đất lạnh. Em chồng cô cũng lên bàn thờ với anh mình cho có cặp. Cô ở với cha mẹ chồng. Rồi cô gặp cháu vợ tôi, đã 40 mươi mùa xuân trôi qua mà không để ý đến ai ngoại trừ nàng tiên nâu. Ông anh tôi đưa chàng về quê để tìm cách cho cu cậu bái bai nàng tiên quái quỷ. Và bẫy tình ụp lên đôi trai gái này. Bố mẹ chồng cô dâu gả con dâu cho anh chàng đã nửa đời phóng đãng, với cả trời yêu thương và lo liệu. Thế là cô dâu có tới 2 bố mẹ chồng, mà ông bà nào cũng đều hỉ hả. Bọn tôi cũng vui không kém. Riêng tôi thì chúc cho “đôi trẻ” hạnh phúc hoài hoài, tôi tránh chữ răng long đầu bạc vì thằng cháu tôi răng đã long kha khá và mái tóc cũng đã có sợi trắng sợi mềm rồi. Nó mà cười thì chán lắm các bác ạ!
Rồi lại về với cái vườn có gã tắc kè hồi nãy. Mấy trự thanh niên lại khề khà với mấy lon bia, không quên đưa bằng cả 2 tay mời bọn thành phố chúng tôi…dạ, con mời mấy chú mấy bác… Bọn tôi uống chiếu lệ rồi bỏ áo ra, đi lòng vòng quanh vườn xem cây cỏ, thăm mấy con gà. Mấy chú chó vườn có vẻ hiền, chả sủa gì ráo trọi. Đàng sau vuông tường gạch là cục nóng của cái máy lạnh. Chà! Nhà quê tiến bộ ghê ta. Lò mò đi ngang căn phòng chắc là phòng tân hôn, thấy có cái giường gỗ trải nệm, trên cao mắc sẵn cái mùng vén lên còn mới tinh.À! chắc cái máy lạnh là để cho căn phòng đặc biệt này. Hèn nào, lúc nãy, cô bé con con hồn nhiên nói với tôi, ông ngủ ở đâu vậy? Ông đừng ngủ dưới đất kẻo có con rít cắn đó. Bữa trước em con bị con rít cắn đau lắm. Hên quá, ông anh tôi lôi cả bọn ra ngoài nhà xây gần đường lớn, khỏi sợ rít với chẳng rết, bỏ lại mấy chú thanh niên hì hục hái mít đặng mai có cái làm quà cho dân thành phố.
Đêm đó cúp điện. Nhà này chịu chơi, mấy thằng cháu xách xe chạy như bay ra chợ đâu đó mua xăng về để tối còn ăn nhậu và văn nghệ văn gừng cho có khí thế, mai còn đón dâu nữa. Chủ nhà sai con rể đầu hạ nguyên con heo tại chỗ, rồi khi trời đã sẩm tối, khi nhà đèn cúp không còn chút điện nào cho dân thành phố biết thế nào là tối tăm mù mịt, thì máy phát điện đã xình xịch phun ra những tia sáng, dàn máy ca nhạc cũng ráng khởi động để dựng lên chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn đã hoạch định từ lâu cho dân thành phố biết tay. Nhưng máy quá tải, và chương trình chỉ còn nhậu cho đã đời. Rượu vào lời ra, thế là có bịch nhau í ới một lúc, có kẻ ôm mặt máu thất thểu lấy xe ra về, miệng lầu bầu, mẹ! tao có làm gì mà mày đánh tao. Chẳng có ai trả lời trả vốn, chỉ có tiếng can, thôi về đi, tại mày ăn nói bậy bạ mà ra. Anh chàng lại lầu bầu cái gì đó, ẽo ọt 1 lát rồi cũng nổ máy xe…Vườn kế bên có quán cà phê, cũng đèn xanh đèn đỏ, có cả mấy túp lều…lý tưởng nữa chứ. Ông chủ nhà, là bạn của bố chú rể rung rung cái đùi: Trời đất, nói thiệt mấy anh, tại máy điện không đủ chớ không đêm nay, thanh niên ở đây sẽ tụ họp hát hò tới sáng luôn.
Hôm sau rước dâu, cũng cái ngõ ấy. Bữa nay thêm cái đám cưới nữa sát nhà cô dâu làm mắc cười cho ai đó đi lộn đám. Mọi người nhìn nhau cười vui. Rồi dưới cái nóng bỏng da, cô dâu chú rể cùng đoàn tùy tùng lại vòng vèo trên xe đi cả 20 km, rồi lễ gia tiên, rồi lại lên xe, đến nơi đãi tiệc. Điện cúp tới tối mới có. Cái máy phát hôm qua đã được chỉnh sửa sao đó mà 5, 6 cái loa đã phát ra những âm thanh ồn ào của đám tiệc, tiếng MC miệng trơn như bôi mỡ, cây organ đã ráp vào giàn máy, cây guitar cũng đã tháp tùng 1 cách mạnh mẽ, và các ca sỉ ca lẻ lại tiếp nhau trong cái nóng của mùa hè, dưới những cái rạp chật ních người. Chả thua gì thành phố!
Rồi chúng tôi trở về nơi đã ra đi từ tinh mơ hôm qua. Mọi người bình phẩm về cuộc vui. Sau chừng 20 phút ồn ào, cả xe chỉ còn tôi và tài xế căng mắt nhìn con đường đang lất phất những bụi mưa. Chủ nhà còn thân ái cho chúng tôi mỗi người ít quà mang về: Mít, hạt điều…và cả gà sống nữa. Mít thì nằm im phả hương thơm lừng. Lũ gà quang quác như hét lên, thả tao ra, thả tao ra. Thôi được rồi, các ba má! Lát nữa người ta sẽ thả tụi bay vô nồi liền! Đừng sốt ruột như thế nhé!
LAM TRẦN 21.05.2013
Vô Cùng Thương Tiếc…
SânGaSainthomas vừa nhận tin muộn:
Bào đệ của bạn Vũ Đức Thường là Gioan Tông Đồ Vũ Đức Thương (tự Dũng) sinh năm 1956 vừa được Chúa Gọi Về ngày 05/05/2013 ở Sài Gòn. Thánh Lễ An Táng tại Giáo Xứ Tân Sa Châu và đã an nghỉ tại quê nhà.
Trước hào quang nhiệm mầu của đại lễ Chúa Thánh Thần, nhóm SânGaSainthomas xin thay mặt toàn thể bạn học CHS.StThomas trong và ngoài nước, thành kính dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu cho linh hồn Gioan Tông Đồ mãi mãi An Bình Hạnh Phúc trên Thiên Quốc.
Xin phân ưu cùng bạn Vũ Đức Thường và tang quyến.
SânGaSainthomas 24/05/2013
buồn xưa…
Bao giờ cũng thế, tháng năm có cái gì từ tạ:
Khi cành phượng đã thắm suốt vỉa hồn
Màu đỏ thắm trên cao, làm trời mãi xanh hơn
Cũng không đủ tươi hơn cho chân đầy lá úa…
Vẫn còn đó những con tim vụn vỡ
Dấu tàn phai mờ lệ mắt học trò.
Tiếng lao xao nghe mưa đến từ xa,
Chưa ướt tóc mà hồn như ướt đẫm!
Chẳng ai nói với ai mà tai buồn ngàn vạn
Những ủ ê của tình khúc ve sầu…
Những run run của đôi nắm tay nhau…
Sợ sẽ đứt những nuông chiều mới đó.
Cánh phượng rơi trên chông chênh lá đổ.
Sao bồng bềnh như lặng khúc chia ly?
Rồi ngày mai, ngày mai nữa lê thê…
Nuốt mà nghẹn từng lời không dám nói!
Nhiều ngày mai, để chiều nay nắng vợi.
Vẫn tháng năm, vẫn cánh phượng cao vời.
Ta một mình bước nhẹ, ngóng mưa rơi,
Mong cho đủ những buồn xưa tái hiện…
LAM TRẦN 22.05.2013
ThànhKínhPhânƯu…
SânGaSainthomas vừa nhận tin:
Cụ Ông Giu-Se Phạm Minh Châu,sinh ngày 20 tháng 10 năm 1929,là thân phụ bạn Phạm Thị Hường(CHS Saint Thomas)_cũng là nhạc phụ bạn Đinh Viết Hòa (CHS Saint Thomas),đã được Chúa gọi về lúc 20g30′ ngày Thứ Sáu 17/05/2013. Hưởng thọ 85 tuổi.
Nghi thức nhập quan: ngày Thứ Bảy 18/05/2013.
Nghi thức động quan: sáng Thứ Ba ngày 21/05/2013.Thánh lễ an táng tại thánh đường Giáo Xứ Tân Đông,Hóc Môn.
Thay mặt toàn thể CHS.StThomas hải ngoại và quốc nội, chúng tôi thành kính phân ưu cùng tang quyến hai bạn Phạm Thị Hường và Đinh Viết Hòa.
Nguyện xin Thiên Chúa luôn sáng soi và che chở cho linh hồn GiuSe sớm Về Nước Chúa.
SânGaSainthomas19/05/2013
Nghỉ Hè…
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
XuânTâm (Nghỉ hè trong tập Lời Chim Non)
Những câu thơ của ông trong Nghỉ hè đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh yêu đời và yêu thơ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Những vần thơ của ông trong Lời tim non hơn 60 năm qua vẫn còn sống mãi với thế hệ của những chàng trai 15 tuổi bước vào học đường trung học, náo nức trong buổi tựu trường và đón ngày nghỉ hè với bao hân hoan. Có thể các thế hệ học sinh hiện nay và sau này khó hình dung được những xúc cảm, những ấn tượng, những kỷ niệm của thế hệ học sinh hơn 60 năm trước. Bởi vì ngày ấy…vào trung học không đơn giản như bây giờ. Trường học ngày ấy rất ít, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học, tường đất, mái tranh. Còn trung học thì chỉ có ở thành phố, ở tỉnh lớn. Do đó những chàng trai được vào trung học phải xa nhà, rời nông thôn lên thành phố. Chín tháng trời đèn sách, xa nhà, xa quê, còn gì vui thú hơn, sung sướng hơn là ngày trở về với thầy mẹ, với em thơ, với vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Nhớ những ngày xa xưa, thời tấm bé…Trời ơi, mùa hè vui gì đâu quá xá. Này nhé, theo chân lũ bạn lem luốc lội khắp ngõ ngách chơi đùa. Khi thì thả cho chú diều bay cao trên bầu trời xanh xanh, mấy thằng bé chúng tôi nằm tựa đầu trên bờ con đường đất mà hai bên cơ man nào lũ tre kẽo kẹt theo làn gió mát. Nhìn những chú diều đảo qua lại dưới lớp mây trời trắng như bông, nghe lũ ve rỉ rả bên tai ồn ồn. Những âm thanh đều đều ấy có khi ru chúng tôi vào giấc ngủ hiền hòa. Cho đến khi có tiếng gọi í ới của ai đó, khi phát giác ra giọng mẹ thì hỡi ơi, cái roi đã hằn lên đít một nhát đau ơi là đau.Rồi cả lũ cũng tan hàng về nhà, lắm khi mẹ kéo tai tôi đau điếng, nhưng tay kia, mẹ lại vừa giữ cái roi mây, vừa cẩn thận cầm con diều mà mẹ biết tôi đã rất mất công làm nó cả buổi trời nóng nực.
Cũng có lúc chúng tôi bới mấy liếp khoai người ta trồng đâu đó, lôi lên vài củ khoai rồi chạy ra con lạch nhỏ sau đình, rửa qua cho hết đất cát, và ngon lành chén với nhau vị khoai sống ngòn ngọt, nghe tiếng khoai dòn trong hàm răng, thật tuổi học trò ngày xưa sao dễ thương quá.
Rồi leo lên ụ đất cao, nơi có cái mả xưa, um tùm cỏ tranh. Bọn tôi ra sức nhổ những cây cỏ tranh nhỏ mà dai ác liệt, có khi mấy đứa ngã chổng kềnh mới nhổ lên được một bụi, rồi tước vỏ và nhai như nhai mía. Dĩ nhiên là ngon tuyệt, và cũng dĩ nhiên, cái tai tôi lại được mẹ lôi về, sau khi bà “tế” cho một trận nên thân, vì cái tội không trông em mà bỏ đi chơi như thế. Mẹ còn dọa :Mày cứ đi chơi cho nhiều vào, con ma nó kéo mày đi mất luôn đấy nhé.
Nói tới ma, thuở ấy chẳng hiểu sao mà chúng tôi rất sợ đi ngang gốc cây bàng cạnh sân đình. Lỡ có đi qua, cả bọn thế nào cũng khom lưng ù chạy một mạch, với lời dặn dò của ai đó từ bao giờ:Này, chúng mày đi qua đấy mà chửi tục là ma nó từ trên cây sẽ bắn cho mỗi đứa một mũi tên là toi nhé.
Đấy, mùa hè ngày xưa là thế đấy, có khi còn leo xuống lòng cống lộ thiên, bắt cá. Được cái nước rất trong, những con cá be bé “đứng” ve vẩy đuôi trong làn nước, ngoắt một cái đã biến mất khi những bàn tay nhỏ bé của tôi chỉ vừa kịp chạm vào mặt nước. Mãi rồi cũng bắt được vài con, có khi chả có cái gì đựng, bèn túm áo lại, cho cá vào, xúc đầy nước, vội vàng trèo lên bờ…chạy cho nhanh! Khi nước cạn, lại vội vội vàng vàng trượt xuống nước, lại túm thêm ít nước, lại chạy lên bờ, rồi lại…Có khi về đến nhà, mấy con cá bé tẹo đã tắt thở từ hồi nào, vì quãng đường về đến nhà làm gì còn cống nước. Vậy mà có lúc, tôi đã khóc vì mấy con cá ngoẻo ấy. Thật là “tình cảm”.Về đến nhà, mẹ đã đứng đấy tự lúc nào, mẹ dứ dứ cái roi vào vai tôi, tai kia, mẹ để đàng sau lưng. Đến khi tôi năn nỉ mẹ tha cho cái tội đi chơi thì mẹ chìa cho tôi chiếc lọ be bé có con cá phướn hồng hồng thật đẹp, chả hiểu từ đâu mà mẹ có. Mẹ cười cười bảo tôi “Cho con đấy! Mau vào mà ăn cơm” Nghĩ lại mà bây giờ tôi còn cảm động, nước mắt cứ chực trào ra, các cụ ạ! Ôi tôi yêu mùa hè, Ôi tôi yêu mẹ biết bao! Ôi ngày xưa, ngày xưa…
Những tháng ngày học trò quả là vui, nhất là vào những ngày hè. Nhìn những cánh phượng vẽ cả một trời màu đỏ tươi rực rỡ, lũ học trò tha hồ bay nhảy, tha hồ nghịch ngợm. Cuộng hoa phượng là một vũ khí ác liệt. Nó dài và be bé như cây tăm, mà dai lắm. Dùng nó làm bì mà bắn vào ai đó thì một là kẻ bị bắn sẽ khóc vì đau. Hai là kẻ bắn cũng đau không kém, có khi còn hơn, nếu kẻ bị bắn về méc bố mẹ. Bố mẹ nó sẽ sang méc bố mẹ mình, và a lê hấp, bố mẹ mình đâu muốn bị mang tiếng là bênh con, nên cứ cho thằng con nghịch ngầm có tiếng, vài ba roi phát rét. Vậy mà, mai lại chơi với nhau, lại leo lên cây phương , hái mấy trái phượng già, đập ra, lấy mấy cái hột ăn. Bùi bùi, vui vui…
Nhưng mùa hè bắt đầu có nỗi buồn khi những cậu cô ngày nào đã lớn. Những tháng ngày vùi đầu sử kinh cũng không làm mất đi niềm vui của những cô nàng áo trắng xinh xinh và những anh chàng quần xanh thẳng thớm. Trái tim còn son trẻ đã biết rung theo nhịp của từng sợi tóc bay bay ai đó ngồi bên cửa sổ. Những tinh nghịch của kẻ nào đó có khi đã làm xao động tâm hồn mộng mơ chưa lần biết tình yêu là gì. Chỉ biết, có những lúc sao mà cứ thừ ra như…làm sao ấy, có cái gì đó réo gọi trong tâm hồn. Đôi khi chỉ là cái nhìn ngang không chủ ý, mà ai đó nghĩ ngợi mông lung và suy non đoán già cùng đặt ra nhiều phương trình để giải cái bài toán kỳ bí :Tình yêu là cái chi chi. Có khi chỉ là một lời bông đùa mà cả đêm về trằn trọc, chả biết cái “đằng ấy” có hiểu rằng ta…khó nói lắm không! Ôi, tuổi trăng tròn mà tim méo xẹo. Chắc nhũn não quá. Mặt cứ dài ngoẵng cả ra. Rồi các nàng bắt đầu…diêm dúa đi một tí. Để làm chi vậy ta! Ai mà biết! Nhưng biết đấy, biết rằng từ xa mà…gần lắm, có ai đó đang theo dõi từng cử chỉ của mình, mộng du đến độ thầy cốc cho một cái mới giật bắn người như có hỏa tiễn Saturn gắn ở…Lại có khi lơ đãng vì bóng ai đó mà đọc công thức sinh học gì đó thành RMK là 1 hãng thầu gì gì đó quên cha nó mất rồi….Ôi, ngày xưa mơ với chả mộng.
Và mùa hè lại đến như hằng năm, mà sao lòng ta như xát muối vậy! Không, như bôi alcool thì có! Ôi, mai xa rồi thằng ta ơi. Làm sao bi giờ. Thư viết rồi mà sao đưa đây. Nhờ mấy “bà” kia đưa dùm ư! Chết! Mai chúng hê lên cả làng thì…độn thổ mất. Chần chừ, trù trừ, suy với chả tính! Cuối cùng đành cất vào đâu đó để lòng tê tái lòng. Trời ơi, mai nghỉ hè rồi! Trời ơi! Màu phượng sao buồn thế! Sau mấy tháng hè, biết còn gặp lại…người xưa? (làm như hè xong là người ta chết hết hay sao ấy) Mỗi năm đến hè lòng mam mác buồn…Man mác cái khỉ khô! Tê tái buồn thì có!
Rồi 20. Rồi 30. Rồi nhiều cái mươi nữa. Cho đến một ngày, ta gặp lại những cố nhân ngày xưa. Ta lại vui vẻ trò chuyện như chưa hề có gì xảy ra trong tâm hồn. Chả biết “họ” có như vậy không nữa? Mà sao ta lại chả thấy yêu tí ti ông cụ nào. Vui vui thì có! Sao vậy cà! Hết buồn rồi hè ơi. Hoa phượng ơi, cứ rực lên trên màu nắng nhé, để đôi khi thấy ngươi, thấy lũ ngươi, ta nhớ về cái thuở học trò, chem chép cái miệng đã móm vì răng rụng dần, và ta tự cười.Đồ mát!!!
LAM TRẦN 12.05.2013
Tôi vẫn luôn nhung nhớ và yêu em từ sau niên học cuối. Bốn mươi năm ly biệt mà tình yêu ấy vẫn nồng nàn như mầu son rực rỡ của Phượng hồng trên cây cao từng tỏa bóng mát dưới sân trường .
Theo dòng trôi của thời gian dẫu đã ngút ngàn, nhưng biên giới giữa tôi và em luôn gũi gần như khoảng cách từ những bước chân tôi cùng bạn thân từng sánh đều trên những ô vuông gạch ở hành lang vào lớp mỗi sáng.
Kỷ niệm về em qua mỗi mùa mưa nắng trong mỗi niên học tôi đã theo với bạn bè vào những mùa khai giảng năm đầu Đệ Thất cho đến ngày bế giảng của mùa hè năm cuối lớp 12 vẫn hằng đậm nét trong ký ức tôi và bạn bè nay đã phong trần và già nua hơn cả hình ảnh Thầy Cô năm cũ.
Nghe nói em vừa thổi tắt ngọn nến hồng mừng Sinh Nhật Ngũ Tuần cùng Thầy Cô, và bạn hữu của tôi _ còn có cả những khuôn mặt khả kính bao dung của qúy Cha trong Ban Giám Hiệu vào mùa Thu hai năm trước…
Năm nay em đã hơn 50 tuổi.Bức tường vôi đã bao lần thay mầu mới, nhưng mái tóc em vẫn chưa chịu điểm sương dù thời gian với biết bao thăng trầm biến đổi ở ngoài kia song cửa. Em trẻ mãi trong tôi và các bạn, danh xưng của em đã được đời thay họ đổi tên, và dù tôi và bạn hữu không còn những cơ hội nắn nót tên em trên những tờ giấy nhãn, những bài kiểm mỗi tháng và bài thi hằng tam cá nguyệt, nhưng Saint Thomas ơi, tôi và tất cả vẫn hằng nhớ thương và yêu em như thuở ban đầu đến bất tận trong tình yêu chung thủy từ trái tim cựu học sinh viễn xứ…
Chào em, Hạ 72 bất diệt…
lươngtấtđạt,Hè2013
ấm áp…
9 giờ sáng, tôi qua rủ Thư, một người bạn thân của Chinh ở khá gần nhà tôi. Thư đã ve vẩy cái mũ bảo hiểm từ xa để báo hiệu anh đã sẵn sàng cho cuộc thăm viếng người bạn chung.
Thật ra, cả tuần nay,có nhiều cuộc điện đến với tôi về anh chàng cựu SaintThomas này. Có bạn đòi tổ chức đến thăm gia đình đơn sơ ấy nhưng vì không thu xếp được thời gian phù hợp nên tôi chưa dám nhận lời. Có bạn qua email hứa sẽ liên lạc với anh chị Chinh qua số điện thoại đã biết. Ban Đại Diện Hội CHS St.Thomas nhờ tôi chuyển lời đến anh chị Chinh, mời anh chị ấy đến dự ngày họp mặt 6/7 sắp tới tại Nhà Thờ Ba Chuông, mọi chi phí Hội sẽ trang trải; lại còn nhắc nhở làm sao cho anh chị ấy có nơi trú đêm sau tối liên hoan, vì sợ đường xa không thuận cho người bệnh. Chẳng có lý do gì khiến tôi ngại ngần trong công việc này. Khi tôi điện thoại cho vợ Chinh, chị rất vui và hứa sẽ đem anh chồng yêu rấu của mình thả về đàn StThomas xa xưa, dĩ nhiên tôi cũng thuyết phục chị cùng tham gia cho vui. Chị cho biết, đã có chị bạn xưa của anh điộn thoại về hỏi thăm. Tôi không bất ngờ trước các sự việc này, nhưng bất ngờ trước tốc độ ân tình đã lan tỏa trong anh chị em không những chỉ trong lớp mà còn trong những anh chị em khác chung trường mà chưa hề quen biết.
Rồi hôm qua, tôi nhận được quà của chị bạn ở Mỹ dành cho anh và nhờ tôi chuyển giúp. 10g30 tối qua, chị còn điện thoại cho tôi xem quà đã đến chưa. Cựu Học Sinh ST quả là nghĩa tình !!!. Dĩ nhiên, chị cũng dành cho gia đình tôi món quà thật vui. Tôi báo cho chị, hôm nay tôi sẽ đến thăm Chinh.
Và thế là chúng tôi lên đường. 24 km đi xe máy kể không xa lắm, nhưng cũng vì ngược đường nên ít khi tôi đến thăm anh. Đường xa có bạn nói chuyện cũng vui. Thư kể cho tôi nghe những tháng ngày xưa cũ của đôi bạn Chinh-Thư. Thư nói rằng Chính rất hăng hái và có tài trong sinh hoạt văn nghệ sau 1975, sau này vì bệnh nên thôi. Chính có người bạn tên Hưng tại Giào Xứ Sơn Lộc nên hay ghé lên đấy chơi. Người bạn bèn làm mai cho một cô giáo gần nhà. Khi Chính và Thư lên chơi, cô ấy sang làm thịt giúp con gà; Chính mon men lại hỏi, em có muốn lấy anh làm vợ không? (câu hỏi quả là…bảnh!) Có lẽ vì đã được tư vấn trước của ông anh hàng xóm nên nàng nhận lời. Đó! Chuyện tình đôi ta đơn giản mà mãnh liệt như thế đó. Họ lập hôn ước ngàn đời với nhau từ 1994. Và một thời gian sau, Dung đã làm mẹ của 3 đứa con, và lo lắng cho cả nhà trong đó có một cụ bà, một đứa em dở người, và một đức ông chồng; với sự nhẫn nại và khéo léo thu vén cho cả nhà chỉ với hai bàn tay của mình.
Nhà vợ chồng Chinh khá thoáng mát, nhà có 3 gian, trước sau nhà đều có những khoảng đất trống để trồng dăm cây mít, phía sau nhà có chuồng nuôi heo. Bạn Thư cho biết, nhờ nuôi heo mà chị Dung từ từ xây nhà cho khang trang hơn. Chị nói, chị luôn nợ ngân hàng để tạo dựng cho gia đình. Cũng may là còn vay được ngân hàng. Nhắc đến người bạn năm xưa đã biếu Chinh 500 usd, Thư cho biết, người ấy còn giúp Chính nhiều lần sau này, vì chính Thư là người chở Chính đến lấy quà từ anh bạn kia. Vậy mà bao nhiêu năm tôi không hề biết chuyện này. Anh ta quả là kín đáo khi che đi những việc tốt lành anh đã làm. Lại thêm một CHS.StThomas đáng mến.
Lúc chúng tôi đến, Chính đang lững thững trước nhà, chắc là chờ bạn đến. Chúng tôi ngồi trên ghế đá trước hàng hiên để hưởng cái mát mẻ mà nội thành khó mà có. Chinh vào nhà gọi vợ về. Vài phút sau, Dung đã toe toét ào về nhà và ríu rít nào là mời khách vào nhà cho lịch sự, khách bảo chả vào đâu vì ngoài này mát, chủ nói trong nhà có quạt, khách nói quạt kệ…quạt, chủ bèn đem thêm cái ghế dựa gỗ để đỡ mấy ly trà tươi pha đá xanh xanh, thêm cái ghế con để vợ hài tội đức lang…băm ủa quên lang quân của mình. Nào là các anh coi, em lo cho ảnh như vậy đó mà ảnh còn đòi đuổi em đi nữa chứ, rằng ngu lăm mới lấy phải cô vân vân và vân vân…Trong lúc đó ông chồng móm mém, một mắt thì nheo lại vì di chứng hồi đụng xe, cứ tủm tủm cười không ra tiếng, trong lúc bọn tôi thì muốn cười cho vỡ tung cái niềm vui của cặp vợ chồng tri kỷ này. Họ nói xấu nhau cho bạn nghe mà y như kể lể cho mẹ ruột nghe vậy. Tôi thấy họ thật dễ thương. Người phụ nữ này quả là mộc mạc. Trong chị là một trái tim vĩ đại. Tôi nói với chị, nhìn ngôi nhà, ai dám bảo rằng chị nghèo. Bạn bè cũng vậy, họ biết rằng, đàng sau những tiện nghi tối thiểu của gia đình ấy, có cả điện thoại, có internet, lo cho chồng tật bệnh chỉ biết ngồm ngoàm bông đùa, lo cho mẹ già yếu, lo cho đứa em ruột dở người (nhưng vẫn cho chụp tấm hình, mà những 2 lần lận), lo cho 3 đứa con đi học.Tổ chức gia đình nuôi heo, ngay cả đức lang quân và người em tội nghiệp vẫn có thể góp sức bé nhỏ với công việc nhỏ mà vĩ đại ấy: Bảo toàn gia đình. Quả là phi thường !!!
Còn anh bạn của chúng ta. Anh đọc vào tai tôi, khi hiểu ra đó là 1 bài thơ, tôi lấy điện thoại và ghi lại những lời như thế này:
Lâu rồi không biết mấy mươi năm
Người chẳng về đây, lạnh chỗ nằm.
Gối chăn kia vẫn mong hơi ấm
Của Nguyễn Huy Bằng trở lại thăm.
Tuyệt cú mèo chớ có chơi đâu.Nhưng mới đọc mấy câu trước tưởng rằng nhắc đến một bóng hình nào đó, một tình yêu nào đó, ai dè là những lời dành cho nhân vật Bằng là một người bạn của anh. Bằng là 1 tay guitar classic mà Chính rất thân; Họ thường đến chơi nhà nhau, chui vào xó nào đó rồi đàn địch, rồi ngủ lại nhà nhau. Chắc phải la anh chàng Chính này, vợ sờ sờ ra kia, chẳng khen lấy môt câu mà cứ nhắc đến ông bạn nảo bạn nào.
Dung đòi chúng tôi ở lại ăn cơm, có rau ăn rau có cỏ ăn cỏ, dĩ nhiên chúng tôi đâu chịu ăn…cỏ. Chị cười xòa và gửi lời cám ơn đến tất cả anh chị em St.Thomas đã nhớ đến ông chồng đáng yêu của chị. Tôi ngồi sát bên anh, không biết anh định nói cái gì,mà rồi bặm môi lại, tôi thấy trong mắt anh có sắc đỏ và ươn ướt của nỗi vui: Bạn bè đâu có quên mình!
Chị hái cho chúng tôi 2 trái mít, rồi lại le te ra sau nhà gói thêm cho ít trứng, Anh Lãm ơi, cầm cái này về cho chị đi, gà nhà đẻ mà, chẳng phải mua đâu mà ngại, không tin hỏi anh Chinh coi, ngày nào ảnh chẳng đi lượm trứng, phải không anh?
Không lấy thì sợ chị buồn, mà lấy thì ngại quá, nhưng kệ! Coi như mình…lời phen này. Trên đường về, trời lẩm rẩm mưa. Anh bạn tôi nói, kệ mẹ nó đi, phải 15, 20 phút nữa mới mưa to, đừng mặc áo. Rồi bọn tôi phóng như bay, hên mà về tới nhà chưa ướt áo. Tôi lấy mít, Thư lấy trứng. Mệt quá, trứng bỏ cái “oóc” là vào mồm, còn mít thì làm sao giờ ta? Hay ta để dành đến 6/7 đem tới cho cả đám Saint Thomas xà xẻo.
Qua chuyến đi, tôi lấy làm cảm kích những ai đã vì giọng lưỡi của tôi mà gửi niềm vui đến đôi uyên ương Chinh-Dung.Qua các anh chị, và qua gia đình dễ thương kia, tôi thấy tình yêu đẹp biết bao nếu có lòng hy sinh và sự quan tâm đến người mình yêu mến.Tiếc rằng các cháu đang giờ học nên tôi chả có tấm hình chung cho cả nhà. Không sao, tôi còn sống đến mấy chục năm nữa, có gì mà lo!
Và trường xưa ơi, ta yêu ngươi quá! Chụt!
LAM TRẦN 17.05.2013